Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV vào năm 1976, Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp được cử phụ trách công tác khoa học và giáo dục (KH&GD).
Ngay sau khi nhận công tác này, Đại tướng đã có nhiều cuộc làm việc với Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (từ đây nói tắt là Ủy ban), trong đó có những buổi gặp gỡ với các chuyên viên như chúng tôi, là những người được Ủy ban cử giúp việc Đại tướng.
Nhớ lại lần đầu tiên làm việc với Đại tướng, chúng tôi đã sử dụng cách xưng hô rất…hành chính, là…“Thưa đại tướng…” Ông cười, ngắt lời chúng tôi: “Trong những buổi làm việc bình thường, các cậu không cần câu nệ nghi thức, cứ gọi mình là “Anh Văn” thôi”. Từ đó, chúng tôi đều gọi ông với cái tên rất thân tình: “Anh Văn”.
Từ nay, Anh Văn của chúng ta không còn nữa, nhưng Anh đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong nền khoa học và giáo dục nước nhà.
Đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 28/3/1983 (ảnh tư liệu) |
***
Tôi nhớ, những ngày đầu tiên làm việc với Anh Văn, Anh đặt ra những câu hỏi làm chúng tôi hết sức ngỡ ngàng:
- Cậu A chuẩn bị thuyết trình cho mình về “Phân loại khoa học”.
- Cậu B tìm hiểu cho mình mạng lưới các viện nghiên cứu ở Liên Xô, Hoa Kỳ, Châu Á – Thái Bình Dương và Tây Âu.
- Cậu C làm một phân tích về những vấn đề bức xúc của chính sách khoa học và giáo dục trên thế giới.
- Cậu X tìm hiểu về cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đang được bàn sôi động trên các diễn đàn.
- V.v…và ..v.v.
Chúng tôi ngỡ ngàng là vì, những câu hỏi đầu tiên mà Anh Văn đặt cho chúng tôi là những vấn đề rất cơ bản, mà khi làm việc ở vị trí các chính khách, chắc ít khi Anh để tâm, nhưng khi được cử phụ trách KH&GD, anh đã bắt đầu từ những hiểu biết rất bài bản của khoa học và quản lý khoa học, Anh không ỷ rằng mình vốn đã là cử nhân khoa học, được đào tạo tử thời còn “mẫu quốc Đại Pháp”, mà ở thế hệ Anh, Anh thuộc lớp đại trí thức đi làm cách mạng.
Phải nói đó thực sự là phong cách làm việc của một trí thức khoa học hết sức nghiêm túc, làm chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Chúng tôi ngưỡng mộ Anh, là vì chúng tôi thường xuyên được làm việc với một số vị gọi là “lãnh đạo” chưa cần ở cấp cao như Anh, họ đã rất tự mãn, phán rất ẩu ỷ vào mớ kiến thức chắp vá ngô nghê của họ về KH&GD, dẫn đến những lệch chuẩn nghiêm trọng trong các quyết sách mang tầm lợi ích quốc gia, dân tộc.
***
Khi bắt đầu được làm việc với Anh, chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp Anh chuẩn bị một bản báo cáo về cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật mà Anh sẽ trình bầy trước Đại hội toàn quốc làn thứ IV của Đảng CSVN.
Anh đã nghiên cứu rất kỹ Bản Phác thảo 16 quan điểm về chính sách khoa học và kỹ thuật của Việt Nam do Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước Trần Quỳnh đích thân chuẩn bị và đưa thảo luận rộng rãi trong anh em chuyên viên ở Ủy ban thời đó. Đó là một bản nghiên cứu rất công phu và có những quan điểm rất đặc sắc được Anh Văn trân trọng và tiếp nhận.
Cùng với các tài liệu của Viện Khoa học Việt Nam, Ủy ban Khoa học Xã hội và Văn phòng Chính phủ, Anh Văn đã chuẩn bị một bản phúc trình quan trọng dưới dạng một tham luận được trình bầy tại Đại hội Đảng lần thứ IV, mang tên “Về cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật ở nước ta”
Sau Đại hội, Anh Văn đã tập hợp chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau, tổ chức thành các nhóm nghiên cứu chuyên đề về công nghiệp, nông nghiệp, khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, chính sách, chiến lược và quản lý khoa học và kỹ thuật tập trung làm việc tại Sầm Sơn trong nửa tháng. Đó thực sự là một hoạt động nghiên cứu có quy mô lớn đầu tiên, nhằm thảo luận về chính sách phát triển KH&KT trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân và trong từng ngành KH&KT ở Việt Nam. Anh làm việc tỉ mỉ với từng nhóm chúng tôi và chắt lọc những kết quả từ đó để hình thành dần một hệ quan điểm về chính sách, chuẩn bị cho một quyết định thành văn đầu tiên về chính sách khoa học và kỹ thuật của nước ta.
Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu trong nước, Anh Văn đã đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cử một đoàn đi nghiên cứu về chính sách KH&KT ở Liên Xô. Tôi nhớ Đoàn do anh Bùi Thanh Khiết, Trưởng ban Khoa Giáo TW làm trưởng đoàn và anh Hoàng Đình Phu, người cộng sự thân tín của Anh Văn, theo sát từng công việc chuyên môn của Đoàn. Đoàn đã đến làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Phân viện Hàn lâm Novosibirsk, Ủy ban KH&KT Nhà nước Liên Xô, Ủy ban KH&KT Cộng hòa Mondavia và nhiều trường đại học và viện nghiên cứu.
Anh Văn cũng yêu cầu phía Liên Xô cử một số chuyên gia sang giúp Việt Nam nghiên cứu đề xuất các ý tưởng cho một chính sách KH&KT của Việt Nam. Đoàn chuyên gia đã đi khảo sát và làm việc với những cơ quan và địa phương có vai trò quan trọng nhất về kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ và cuối cùng, những người có vai trò chủ chốt trong Đoàn là Zaisev Aleksandr Fedorovich và Garev đã trình Anh Văn một Bản phác thảo đầu tiên về Chính sách khoa học và kỹ thuật của Việt Nam. Bản thảo đã được anh Văn nghiên cứu cẩn thận và giao nhiệm vụ cho nhóm chuyên viên chúng tôi dưới sự chỉ đạo của anh Hoàng Đình Phu, khi đó đã là Phó chủ nhiệm Ủy ban tham khảo để viết một văn bản chính thức, phù hợp với tình hình Việt Nam.
Đó là Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 20/4/1981 về Chính sách Khoa học và Kỹ thuật thành văn đầu tiên. Nghị quyết 37/NQ/TW được viết phù hợp với một khuôn mẫu kinh điển của UNESCO, với một chương trình phát triển toàn diện đúng tầm vóc của một đất nước hơn sáu chục triệu dân khi đó.
Có một sự kiện không thể không nhắc đến, là năm 1977, hai năm sau ngày thống nhất đất nước, Anh Văn đã cử chúng tôi, An Khang và Vũ Cao Đàm, đi Sài Gòn với cương vị là đặc phái viên của Chính phủ, tiếp xúc với các nhà trí thức đang còn ở lại Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc làm việc của Anh với giới trí thức Sài Gòn sau 1975. Chúng tôi đã gặp các vị trí thức có tên tuổi thời đó, như Lê Văn Thới, Phạm Văn Hai, Lâm Văn Vãng, … Các vị đã bày tỏ những tình cảm và nhiệt huyết rất lớn lao vào công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Chúng tôi cũng cố gắng chuyển đến họ những tình cảm và thiện ý của Anh Văn về một chính sách chung tay hàn gắn vết thương dân tộc. Anh Văn và anh Trần Quỳnh sau đó đã có một cuộc gặp gỡ rất trọng thể, nhưng đáng buồn là ý tưởng của Anh Văn đã không thành tựu, nhiều nhà trí thức lớn đã ra đi, để lại những vết thương mà anh Văn có lẽ vẫn còn đau đáu trong lòng không biết chia sẻ cùng ai cho đến ngày xuôi tay, nhắm mắt.
***
Nhóm chuyên viên của Ủy ban KH&KT Nhà nước, được cử làm việc về soạn thảo Văn bản Nghị quyết 37-NQ/TW do anh Đoàn Phương phụ trách. Nhóm có nhiệm vụ phối hợp với nhiều đơn vị khác nhau từ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Viện KHVN, Ủy ban Khoa học Xã hội, Ban Khoa Giáo TW làm việc với sự điều phối chung của anh Hoàng Đình Phu. Anh Phu khi đó còn là Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.
Nghị quyết 37-NQ/TW có một quy mô nội dung rất phong phú, nhưng tôi chỉ muốn nói lại hai sự kiện mà tôi giữ mãi ấn tượng đến ngày nay.
Thứ nhất, “Phải kết hợp chặt chẽ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội; hết sức chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai” (Trích Nghị quyết 37-NQ/TW). Quả thật, Anh là một đại trí thức, một nhà lãnh đạo lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng là một con người hành động rất thực tiễn, không bỗng dưng quyết định trao cho một viện nghiên cứu hàng mấy ngàn con người là “chức năng nghiên cứu cơ bản” khi đất nước còn đói nghèo, và thậm chí trình độ công nghệ còn chưa đủ cao để đục được cái lỗ trôn kim của các bà nội trợ.
Thứ hai, tôi muốn viện dẫn một tư tưởng quan trọng từ Nghị quyết 37-NQ/TW, “Phát triển mạnh mẽ khoa học và kỹ thuật về biển”. Điều này chỉ được viết bằng một dòng giản dị, nhưng thực sự là một tâm huyết lớn của Anh Văn. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với giới trí thức thời đó, Anh luôn nói về biển. Anh nói rất nhiều về biển, về một tư tưởng, tuy không được viết rõ trong Nghị quyết, đó là: Đất nước ta có một vùng biển rộng mênh mông, phải phát triển kinh tế biển, phải kết hợp kinh tế với quốc phòng; Phải xây dựng Việt Nam thành một cường quốc về biển, vân vân và vân vân. Nhưng đáng tiếc, đã gần bốn mươi năm, những tâm huyết mà Anh chia sẻ đến nay vẫn chỉ dừng lại ở những thuyền ghe xập xệ, không chống chọi nổi phong ba trên biển, và câu chuyện về biển của Anh Văn vẫn còn như nhói trong tim những người được nghe Anh thời ấy. Và như chúng ta đã thấy, tư tưởng lớn của Anh Văn về phát triển kinh tế biển, kết hợp kinh tế và quốc phòng trên biển đã không đi vào được cuộc sống đúng như ý nguyện của Anh.
Tiếp đó là Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 30/3/1991 về Chính sách KH&CN lần thứ hai. Nghị quyết 26-NQ/TW bàn đến nhiều chuyện, nhưng tôi chỉ muốn trích hai tư tưởng của Anh Văn:
Thứ nhất, “Đưa khoa học và công nghệ mới vào kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế gia đình vภcác thành phần kinh tế khác” (Trích Nghị quyết 26-NQ/TW), và
Thứ hai, “Phải tích hợp khoa học – sản xuất – đào tạo” (Trích Nghị quyết 26-NQ/TW)
Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời trong bối cảnh Việt Nam đã quyết định cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường. Hai tư tưởng tôi vừa viện dẫn chứa đựng trong đó nhiều điều sâu xa:
- Từ nay chấm dứt quyền độc tôn của Nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ, phải quan tâm không chỉ kinh tế quốc doanh, mà còn đến các thành phần kinh tế khác.
- Phải chấm dứt sự chia cắt khoa học với sản xuất và đào tạo. Phải chấm dứt sự tồn tại các viện nghiên cứu công nghệ “đứng giữa trời” và các viện nghiên cứu đủ các ngành nằm ngoài đại học.
Từ Nghị quyết 26-NQ/TW đến nay đã hai mươi năm, nhưng những gì mà Anh Văn trăn trở vẫn hầu như còn nguyên vẹn, chưa có gì chuyển biến. Luật Khoa học và Công nghệ vừa công bố cũng như Luật Giáo dục hiện hành về cơ bản vẫn là những đạo luật cho một nền “Khoa học và Giáo dục Quốc doanh”. Hệ thống Nhà nước LÀM khoa học và giáo dục vẫn còn đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, vì thiết chế này đã đẻ ra giới học phiệt hùng hậu, như đoàn âm binh, khống chế các tổ chức khoa học và giáo dụchệt như các tập đoàn tài phiệt lũng đoạn hệ thống kinh tế.
***
Hôm nay Anh Văn ra đi nhưng nỗi đau còn đó. Tất cả ý nguyện của Anh chưa được thành tựu trong cuộc sống của chúng ta.
Anh Văn đã về với cõi vĩnh hằng.
Từ biệt Anh Văn mà trong lòng rỉ máu.
Tôi xin thắp một nén nhang vĩnh biệt Anh Văn và cầu nguyện để Anh yên nghỉ ngàn thu./.