Đề án nhằm đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Ban Chỉ đạo thực hiện đề án sẽ được thành lập do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, các Phó trưởng ban là: Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Nhân dịp này, phóng viên Đài VOV phỏng vấn ông Lê Hồng Sơn - Thứ trưởng Bộ Tư pháp về nội dung, kế hoạch triển khai Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
PV: Thưa Thứ trưởng, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 hướng tới những mục tiêu gì?
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Khi thảo luận về Dự án Luật Hộ tịch do Chính phủ trình Quốc hội ngày 24/8/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc quản lý dân cư còn thiếu thống nhất dẫn đến bất cập trong việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ công dân và thực hiện TTHC.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn |
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể về quản lý dân cư với sự phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý dân cư.
Trên quan điểm đó, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Cụ thể: Đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân. Giảm kinh phí thực hiện các cuộc điều tra xã hội liên quan đến công tác quản lý dân cư như tổng điều tra dân số. Giảm chi phí đầu tư cho việc duy trì các trường thông tin trùng lặp tại các cơ sở dữ liệu; giảm tối đa việc nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khi xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đặt nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 cho công dân.
PV: Vậy người dân sẽ được hưởng những lợi ích gì khi thực hiện Đề án này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Mục tiêu hướng đến đầu tiên của Đề án này chính là đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC.
Mỗi người dân sẽ có một số định danh cá nhân; khi thực hiện TTHC, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện TTHC chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân.
Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện giản hóa tối thiểu 1.300 TTHC có yêu cầu khai thông tin công dân hoặc xuất trình/nộp bản sao/nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân sẽ giúp tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Cơ quan Nhà nước quản lý công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm tối thiểu một số loại giấy tờ, gồm: Giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử.
Việc các ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp tiếp tục giảm các giấy tờ khác như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…
Việc xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thống nhất quản lý về thông tin cơ bản của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm không có sai lệnh về thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, lĩnh vực.
PV: Đề án này được đánh giá là Đề án lớn vì quy mô, phạm vi trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và có ảnh hưởng đến đời sống của gần 90 triệu dân. Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện Đề án?
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Thực hiện Đề án này sẽ gặp một số khó khăn. Thứ nhất, với quy mô dân số gần 90 triệu dân, việc thu thập, nhập thông tin của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia là vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc bảo đảm nguồn lực cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là một thách thức đối với Chính phủ.
Thứ hai, để phương án đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân đi vào cuộc sống, theo tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp, cần thực hiện sửa đổi, bổ sung tối thiếu 178 văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, việc rà soát TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thường không chỉ thuộc phạm vi chức năng quản lý của một Bộ, ngành, vì vậy, để thực hiện Đề án đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành.
Việc triển khai Đề án này sớm thành công khi có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm của công dân khi khai các thông tin để nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân sẽ giúp giảm bớt nhiệm vụ cho cơ quan hành chính Nhà nước khi kiểm tra, đối chiếu thông tin trước khi nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp số định danh cá nhân và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
PV: Có ý kiến cho rằng, với nguồn lực như hiện nay, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 cấp số định danh cá nhân cho toàn dân. Thứ trưởng nhận định như thế nào về nhận định này?
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Phải khẳng định rằng, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân là việc cần được khẩn trương triển khai mới có thể khắc phục được triệt để các hạn chế, bất cập trong quản lý dân cư; đồng thời, tạo nên bước chuyển lớn trong việc cấp giấy tờ công dân và giải quyết TTHC cho công dân.
Khó khăn lớn nhất của việc này chính là nguồn lực về tài chính và con người. Đề án đã đưa ra bài toán để giải quyết vấn đề này khi đưa ra vấn đề ưu tiên cấp kinh phí cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giao hai ngành Công an và Tư pháp cùng triển khai cấp số định danh cá nhân để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
PV: Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai Đề án có phải là bước đột phá trong cải cách hành chính?
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn: Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai Đề án khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một Chính phủ gần dân, phục vụ dân và là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính.
Đề án được xây dựng trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm, cách làm thành công của đề án 30 trước đây về đơn giản hóa thủ tục hành chính và gắn kết chặt chẽ với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Những thông tin cơ bản về công dân của gần 90 triệu người dân sẽ được số hóa, điện tử hóa và chia sẻ chung để các ngành, các cấp cùng khai thác và sử dụng, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời giúp thay đổi thói quen làm việc thủ công, cát cứ, cục bộ của cơ quan hành chính Nhà nước trong phục vụ nhân dân.
Người dân khi thực hiện thủ tục hành chính sẽ không phải đi lại nhiều lần hoặc phải xuất trình, phô tô, công chứng, chứng thực những giấy tờ chứa đựng những thông tin về bản thân mình và gia đình đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!