Vấn đề "cán bộ, công chức" được nhắc đến nhiều trong dư luận xã hội thời gian gần đây. Từ việc cần minh bạch trong tổ chức thi tuyển công chức, đến kiểm tra lề lối, giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức ở một số địa phương; từ việc nhân dân đóng góp ý kiến, đưa ra những nhận xét về chất lượng, phong cách ứng xử của cán bộ, công chức các sở, ngành, đến việc cấp dưới "chấm điểm" cán bộ cấp trên... Tất cả chỉ với một mục đích, “xốc” lại đội ngũ cán bộ, công chức cho xứng đáng là "công bộc của dân" trong một nền hành chính "phục vụ nhân dân".

Năm 2012, người dân quận 1, TPHCM được trực tiếp đánh giá từ Chủ tịch đến các trưởng phòng, ban trong quá trình tiếp xúc và giải quyết các vấn đề của người dân. Cuối năm 2012, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội điều tra xã hội học về thực hiện cải cách hành chính tại 5 sở, ngành của thành phố.

111-cai-cach-thu-tuc-hanh-c.jpg
Cải cách thủ tục hành chính phải phục vụ lợi ích của nhân dân (Ảnh: phapluatvn.vn)

Năm nay, nhiều quận, huyện ở TP HCM thực hiện chủ trương “3 không”: không phiền hà sách nhiễu, không trễ hẹn giải quyết hồ sơ hành chính. Hà Nội thực hiện “Năm kỷ cương hành chính – 2013” bằng việc tiến hành kiểm tra công vụ, đánh giá việc thực hiện công tác thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thực hiện chấm điểm lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đã và đang chấn chỉnh, thiết lập kỷ cương trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.

Phải nói rằng, đây là bước chuyển lớn về nhận thức, tư duy trong công tác cán bộ. Lâu nay, lãnh đạo có quyền đưa ra những nhận xét, đánh giá đối với cấp dưới, với người dân; cấp dưới, đặc biệt là người dân không có quyền "phán xét" cán bộ lãnh đạo dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ, việc làm.

Công chức, viên chức Nhà nước, hưởng lương công vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, pháp luật quy định. Nhưng, thói quen "ban phát", tâm lý "xin-cho" luôn thường trực trong suy nghĩ, phong cách ứng xử của cán bộ, công chức. Mối quan hệ giữa chính quyền với dân, lãnh đạo với cấp dưới không thực sự bình đẳng theo đúng quy định pháp luật về hành chính. Thường thì cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chỉ thấy "quyền" mà ít nhận thức được "nghĩa vụ" phải thực hiện.

Nhận thức ấy, tư duy ấy kéo theo sự không minh bạch trong công tác cán bộ, làm nảy sinh hiện tượng, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Các hệ lụy khác cũng từ đó mà phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân.

Việc lấy chỉ số hài lòng của dân làm thước đo đối với cán bộ, công chức Nhà nước trước đây đã được đưa ra. Nhưng thực tế không chuyển biến là bao nhiêu. Bởi thế, việc khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến của người dân, của cán bộ cấp dưới đối với cán bộ, công chức nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng là một trong những kênh thông tin quan trọng để đánh giá đúng thực chất năng lực quản lý, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, cũng như lắng nghe được nguyện vọng của nhân dân. Từ đó sắp xếp, tổ chức lại cán bộ, đề xuất chính sách phù hợp để tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật một cách khách quan, hiệu quả.

Dẫu rằng việc người dân góp ý cho cán bộ, công chức; việc cấp dưới "chấm điểm" cấp trên chưa có kết quả cụ thể, nhưng bước chuyển về nhận thức đã và đang tạo lòng tin của người dân về sự minh bạch trong công tác cán bộ, trong giải quyết những việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; quyết tâm đẩy lùi những rào cản trong quá trình phát triển của đất nước.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay đã chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, những hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một điều rất hiển nhiên là, cán bộ công chức Nhà nước "hưởng lương từ dân" nên phải phục vụ nhân dân. Nếu để người dân phải "phục vụ" lại mình là một việc làm không hợp đạo lý, không đúng pháp luật.

Bởi vậy, muốn cải cách nền hành chính với đầy đủ ý nghĩa "phục vụ nhân dân", trước tiên phải cải cách ngay chính những "công bộc của dân"./.