Ngày 19/4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Quang Cường đã làm việc với Sở Y tế TP HCM và 3 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về tình hình bệnh sởi. 

Sau khi đi khảo sát tại 3 bệnh viện là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh Nhiệt đới, Thứ trưởng Lê Quang Cường đánh giá TP HCM đã ứng phó tốt với dịch sởi. Việc chẩn đoán, điều trị có hiệu quả, nhất là sử dụng giải pháp thở oxy với áp lực dương liên tục gọi tắt là CPAP vừa tiết kiệm chi phí vừa đạt hiệu quả trong chữa bệnh. Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng 2 có sáng kiến thành lập Phòng sàng lọc bệnh sởi ngay tại Khoa Khám bệnh. Đồng thời, đưa những điều dưỡng có kinh nghiệm về sởi tập trung về Khoa Khám bệnh để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của sởi. Chiến dịch tiêm vét sởi của Trung tâm y tế dự phòng thành phố đã đạt độ bao phủ 62%.

benh%20soi%202.jpg
Tiêm ngừa vaccine sởi tại Trạm y tế phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM (Ảnh: Hiếu Hiền)

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết: “Nếu so sánh chiều dốc gia tăng của sởi thì dù vẫn ở mức cao nhưng có xu hướng dừng lại. Nếu như những ca sởi nhập viện ở tháng 1, 2 vào khoảng 40 ca sau đó vài tuần tăng lên thì giờ đang giữ ở mức 120 ca”.

Đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá TP HCM có thể đảm bảo việc khám và điều trị nếu bệnh sởi tăng thêm 20% so với hiện tại. Tuy nhiên, Bộ Y tế lưu ý thành phố về công tác truyền thông vẫn chưa đạt yêu cầu. Trung tâm y tế dự phòng cần cử cán bộ truyền thông xuống tận hộ gia đình, những nơi từng có bệnh nhân sởi để tuyên truyền về phương pháp phòng bệnh; tỷ lệ lây nhiễm chéo trong các bệnh viện vẫn còn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường lưu ý về giải pháp phân luồng mà các bệnh viện tại thành phố đề xuất với Bộ Y tế để tránh lây nhiễm chéo bệnh sởi../.