Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có 40 trẻ bị sốt phát ban nghi mắc bệnh sởi, trong đó có 10 trường hợp qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh sởi. Huyện Càng Long là địa phương có số ca mắc bệnh sởi nhiều nhất tỉnh với 4 trường hợp dương tính với sởi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Trà Vinh cho biết, tuy trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp tử vong do sởi nhưng hiện bệnh đang có dấu hiệu tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Tại Trà Vinh, các trường hợp mắc bệnh đa số là do trẻ em chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc tiêm chủng chưa đủ 2 mũi theo quy định. Tỉnh đang đẩy mạnh việc tiêm chủng và tiêm vét vaccine sởi. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức tiêm phòng được trên 7.300 mũi sởi cho trẻ trong độ tuổi và tiêm vét cho gần 3.000 trẻ chưa tiêm đủ liều. Từ năm 2010 đến năm 2013, Trà Vinh không có trường hợp nào bị mắc bệnh sởi.
** Bác sỹ Nguyễn Quốc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Tuyên Quang cho biết, sau khi phát hiện 126 ca mắc sởi ở huyện Na Hang, ngành y tế tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống căn bệnh này. Từ cuối tháng 3 đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện thêm 19 ca mắc sởi, các ca bệnh xuất hiện lẻ tẻ ở 4 huyện, thành phố là huyện Hàm Yên, Lâm Bình, Yên Sơn, Na Hang.
Tính đến ngày 17/4, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 145 ca mắc sởi, trong đó có 130 ca bệnh chẩn đoán lâm sàng, 15 ca chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, không có tử vong. Độ tuổi mắc chủ yếu dưới 15 tuổi, chiếm khoảng 90%.
Triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong tháng 4-5/2014, Trung tâm y tế dự phòng Tuyên Quang thực hiện chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho trẻ 9 tháng đến 2 tuổi; cấp 6000 liều vaccine, trên 6000 bơm kim tiêm các loại, 200 hộp an toàn cho các huyện, thành phố; tuyên truyền bằng nhiều hình thức về lợi ích của việc tiêm chủng...
** Trước tình hình diễn biến của dịch sởi trên địa bàn; nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ mắc, tử vong do dịch sở gây nên, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành công điện yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thành phố trên địa bàn khẩn trương tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch sởi. Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Sở Y tế tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch sởi; Hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan và khu dân cư.
UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị y tế; các phòng, ban đơn vị liên quan và UBND cấp xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi tại địa phương. UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Sở Giáo và Đào tạo chỉ đạo các phòng, cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống bệnh sởi tới toàn thể giáo viên, học sinh.
Theo thông tin từ ngành Y tế tỉnh Thái Bình, cuối tháng 2/2014 trên địa bàn đã xuất hiện nhiều ca bệnh dấu hiệu sốt phát ban. Ngày 4/3, tỉnh Thái Bình ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi đầu tiên ở cháu bé 11 tháng tuổi. Từ đấu năm 2014 đến ngày 17/4/2014, toàn tỉnh Thái Bình đã có gần 200 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 35 ca dương tính với sởi./.