Là một người có hàng chục năm công tác trong lĩnh vực Nhi khoa, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, trong vòng 10 năm nay, chưa có năm nào số ca sởi mắc nhiều như năm nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi, 112 trường hợp tử vong. Đó là trường hợp khá đột biến và bất bình thường, gây ra nỗi lo lắng cho các bậc phụ huynh, gia đình người bệnh.

10 năm nay, chưa có năm nào người mắc sởi nhiều như vậy

PV:Trong những năm ông làm việc tại bệnh viện Nhi Trung ương, đã bao giờ xảy ra những đợt dịch như vậy?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Cũng phải nói cũng trong vòng 10 năm, đây là năm mà ở Hà Nội có nhiều người mắc sởi như vậy và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Những năm trước, dịch sởi cũng xảy ra ở các địa phương khác nhưng số lượng mắc và tử vong cũng không cao như năm nay.

bslocbox.jpg
Ông Nguyễn Văn Lộc (ảnh: KT)

Còn về trước nữa, khoảng 20-30 năm trước đây, cũng có những đợt dịch khá căng thẳng và tỷ lệ tử vong cũng rất cao vì hồi đó phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của đứa trẻ. Những cháu nào mắc sởi mà lại suy dinh dưỡng thì tỷ lệ tử vong lại càng cao. Thứ 2, ở những đứa trẻ này tỷ lệ biến chứng cao và chết không phải do sởi mà do biến chứng như viêm màng phổi, nhiễm trùng huyết hay một số bệnh khác…

PV: Qua theo dõi, ông có thể nhận định vì sao lại có nhiều người mắc sởi và tỷ lệ tử vong cao đến như vậy?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Tôi cho rằng có lẽ công tác phòng ngừa chưa đánh giá đúng mức, vì thế mắc sở thường ở những ca chưa tiêm phòng làn nào, có ca chỉ mới tiêm được một mũi hoặc có ca để quá tuổi tiêm phòng lại không tiêm nhắc lại. Hay có những đứa trẻ chưa vào tuổi tiêm chủng thì cũng đã mắc rồi vì ở trong vùng dịch nó lây lan giữa người này với người khác… Theo thống kê của Bộ Y tế, phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vaccine sởi.  

Cùng với đó, nhiều người chưa thấy được sự nguy hiểm của bệnh sởi, còn lơ là việc tiêm phòng cho con em mình. Nếu như trước đây, có đến 80-90% các cháu được tiêm phòng bệnh sởi, nhưng giờ nếu đánh giá lại chắc chắn không đạt được tỷ lệ như vậy.

Còn về độc lực của sởi, nó có độc lực mạnh nhưng cũng không đánh giá chủng sởi này khác với các năm trước.

Không nhất thiết phải công bố dịch

PV: Cũng có ý kiến cho rằng, việc chậm công bố dịch sởi ảnh hưởng đến việc dập dịch và công tác phòng bệnh. Ông có ý kiến như thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Vấn đề công bố dịch bệnh là của cơ quan quản lý Nhà nước và Bộ Y tế. Đối với các bệnh viện hoặc cơ sở y tế ở địa phương, họ không có quyền công bố dịch.

Khi công bố dịch, nó ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng phòng bệnh. Đó là vấn đề học tập trong các trường học, vấn đề trang thiết bị ở các bệnh viện, hàng tiêu hao, dự trữ cho các tuyến phải chuẩn bị như thế nào, nhân lực để đáp ứng đối phó với dịch… Đối với các bệnh viện, chỉ có quyền báo cáo về tình hình dịch bệnh.

Theo tôi, việc thông báo dịch, các phương tiện thông tin cũng đã làm khá tốt. Còn đối với việc công bố dịch, phải có một quy định nhất định mới được công bố. Trong khi cơ quan chức năng chưa công bố dịch, nên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin cho người dân biết hiện nay các ca mắc sởi, ca tử vong tăng cao để họ phòng ngừa.

Không nhất thiết phải công bố dịch thì mọi người mới quan tâm, mà phải thông báo hàng ngày cho người dân tình hình dịch bệnh, cách phòng ngừa, nhất là đối với trẻ em… Có như vậy thì công tác phòng, chống dịch sởi mới hiệu quả.

PV: Mỗi khi có dịch là mọi người lại đổ xô vào bệnh viện Nhi Trung ương. Là một người có nhiều năm công tác ở bệnh viện Nhi Trung ương, sự quá tải ảnh hưởng như thế nào đến việc khám chữa bệnh ở đây, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Khi đã thành dịch thì bệnh viện Nhi Trung ương bao giờ cũng quá tải và quá tải với con số quá mức. Ví dụ 1 ngày khám bệnh khoảng 2.500-3.000 bệnh nhân, còn các ca cấp cứu cũng rất nhiều, các ca nguy kịch cần đến máy thở cũng tăng lên rất nhiều… Có những lúc bệnh viện phải huy động nhân lực của cả khoa cấp cứu và các khoa khác để phục vụ bệnh nhân…

Những đợt như thế này, hoạt động của bệnh viện luôn quá tải, ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của bệnh viện, nhất là các y, bác sỹ luôn làm việc trong trạng thái căng thẳng. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Không nên hoang mang, sởi cũng là bệnh thông thường

PV: Nhiều người đang truyền nhau cách chữa sởi bằng phương pháp dân gian như tắm nước lá, nhất là tắm bằng hạt mùi. Ông nhận xét gì về cách này?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Tôi được biết các phương pháp dân gian như tắm hạt mùi, nước lá… chưa có ai chứng minh thành bản báo cáo mang tính khoa học. Vì thế, điều quan trọng nhất đối với sởi và phòng bệnh là phải tiêm phòng đầy đủ.

Thứ 2, khi mắc sở phải chú ý đến vấn đề vệ sinh, răng miệng, phòng ngừa các bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.

Thứ 3 là cung cấp chế độ dinh dưỡng cho trẻ thật tốt và phòng tránh cho các trẻ khác như đeo khẩu trang khi tiếp xúc, cách ly trẻ bị sởi… Đây cũng là điều quan trọng để hạn chế lây lan bệnh sởi.

PV: Nhiều gia đình đang rất hoang mang về bệnh sởi ngày càng lan rộng với tỷ lệ tử vong cao. Ông có lời khuyên gì đối với họ trong lúc này?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Bệnh sởi cũng là một loại bệnh thông thường, cho nên người dân cũng hết sức bình tĩnh, xem lại con mình đã tiêm phòng sởi chưa, nếu chưa thì nên tiêm ngay.

Khi con đã mắc sởi thì hãy bình tĩnh chăm sóc các cháu, chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh, phát hiện biến chứng có thể xảy ra, chẳng hạn các cháu lặn sởi rồi nhưng lại sốt cao lên, ho nhiều, khó thở tăng lên… Khi đó phải đưa các cháu đến bệnh viện ngay để can thiệp bằng y tế.

Vấn đề vệ sinh hàng ngày cũng rất quan trọng. Nhiều gia đình khi có con em mắc sởi, thì lại kiêng nước nhưng đây là biện pháp phản khoa học, mà phải lau rửa cho các cháu hàng ngày bằng nước ấm. Vì nếu không làm vệ sinh hàng ngày, các cháu dễ mắc phải các bệnh khác như nhiễm trùng huyết, lở loét, viêm miệng… Những bệnh này còn nguy hiểm hơn mắc sởi.

PV: Xin cảm ơn ông./.