Ngày 25/4, ông Đinh Văn Quế - Cựu Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao - Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có bản kiến nghị lần thứ 4 về vụ án Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn, mà dư luận vẫn hay gọi là Vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ xảy ra vào tháng 8/2013.

Kiến nghị của ông Đinh Văn Quế được gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và cơ quan tiến hành tố tụng của TP.HCM.

Theo ông Đinh Văn Quế, trong các bản kiến nghị, ông đã phân tích rất cụ thể về cơ sở lý luận và thực tiễn, cũng như các dấu hiệu của tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” và khẳng định rằng hai ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết không phạm tội này.

0nhyuo2r_jnnx.jpg
ông Đinh Văn Quế - Cựu Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao - Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Khi hồ sơ vụ án được chuyển qua TAND TP.HCM, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa đã phải 2 lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Theo phân tích của ông Quế, muốn xác định đây là vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” thì việc đầu tiên phải kết luận cano bị tai nạn là do lỗi kỹ thuật hoặc do chất lượng con tàu không bảo đảm an toàn.

Về vấn đề này, Bộ GTVT đã khẳng định tại Công văn số 7783 ngày 18/6/2015 gửi Cục đăng kiểm Việt Nam công nhận kết quả đăng kiểm của Hải quân và yêu cầu Cục đăng kiểm cấp giấy an toàn kỹ thuật cho cano được sản xuất bằng vật liệu PPC.

Còn về nguyên nhân gây ra tai nạn làm lật cano thì tại công văn số 2273/ĐKVN-TB ngày 2/10/2013 của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) và báo cáo điều tra số 3849/CHHVN-ATANHH ngày 30/10/2013 của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT kết luận không liên quan đến vấn đề kỹ thuật hoặc do chất lượng con tàu không bảo đảm an toàn.

Điều 214 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động...” mới là chủ thể của tội phạm, nhưng trong vụ tai nạn này, ông Vũ Văn Đảo không phải là người “chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động phương tiện”.

Cano BP 12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải Quân (đại diện phía Nam - thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân) cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, nên không thể cho rằng cano BP 12-04-02 không được đăng kiểm hoặc đăng kiểm không hợp pháp.

“Mặc dù trong bản kiến nghị số 3 chúng tôi đề nghị, việc Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thời hạn điều tra bổ sung vừa hết chỉ nhằm mục đích kéo dài vụ án, làm cho dư luận thêm nghi ngờ về tính khách quan của cơ quan tiến hành tố tụng”, ông Quế đặt vấn đề.

Ngày 19/11/2015 tại kết quả giám định của Hội đồng giám định theo yêu cầu của cơ quan điều tra một lần nữa xác định: “Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do tàu chở quá số người cho phép chở, cộng thêm khả năng tàu đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn.”

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi có kết quả giám định Cơ quan điều tra phải phục hồi điều tra hoặc quyết định đình chỉ điều tra.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 tháng, kể từ khi có kết quả giám định Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM không hề có một động thái nào.

Dư luận cho rằng cơ quan tố tụng TP.HCM cố tình làm ngơ bằng cách “treo án” gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết. 

Vụ án đã kéo dài gần 3 năm nhưng chưa kết thúc! Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan điều tra làm như vậy là “treo án” tiếp tục gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty Công nghệ Việt Séc và cá nhân ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết cùng hàng trăm công nhân, những người lao động tại Công ty Việt Séc.

Chưa kể, nếu vụ án phải đình chỉ điều tra hoặc tòa án tuyên bố hai ông Đảo và Quyết không phạm tội thì ngân sách của Nhà nước sẽ tốn kém hàng tỷ đồng khi phải bồi thường oan sai cho ông Đảo và ông Quyết./.