Bị kiện vì... cứu người
Theo bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội của chị V.A. - người phụ nữ đang bị kiện, khi đang di chuyển qua đường mới bao biển Hạ Long - Vân Đồn thì chị vô tình gặp một vụ tai nạn, có một nam thanh niên đã dừng lại giúp người gặp nạn lên vỉa hè. Thấy xe chị V.A. đi qua, nam thanh niên đã vẫy lại nhờ sự trợ giúp.
Thương cảm, chị dừng lại và hỗ trợ người bị nạn lên xe rồi đưa đi viện. Khi lên xe, người phụ nữ gặp tai nạn vẫn tỉnh táo nói chuyện, chị V.A. có hỏi xe nào va chạm vào cô thì cô nói "là một xe khách 45 chỗ".
Khi tới bệnh viện chị V.A. đã báo các bác sĩ là mình chỉ chở người gặp nạn đi cấp cứu thôi rồi rời đi ngay sau đó. Theo chị kể lại thì việc chị giúp đỡ người bị nạn không được ghi hình lại do xe chị không có cam hành trình và chỉ có người đi xe máy chứng kiến nên rất khó để xác minh.
Sau đó, chị V.A. bất ngờ nhận được giấy triệu tập của phía công an, chị bị gia đình người gặp nạn kiện vì gây ra tai nạn cho người phụ nữ ấy. Gia đình của người phụ nữ gặp tai nạn cũng đã lên tiếng nói rằng do người đưa mẹ mình tới viện không để lại số điện thoại hay địa chỉ liên lạc, gia đình không biết trông vào đâu để tìm người gây tai nạn nên đã nhờ tới công an để điều tra.
Sau đó hai bên có gọi điện nói chuyện nhưng đều mất bình tĩnh và không đưa ra được phương án giải quyết tốt nhất. Chị V.A. hiện tại đã tìm được nam thanh niên đưa người phụ nữ gặp nạn vào lề đường và được minh oan, gia đình người phụ nữ gặp nạn cũng đã rút đơn kiện và hi vọng được hòa giải.
Bình luận về sự việc, nhiều người chia sẻ với tình cảnh làm phúc phải tội, làm ơn mắc oán của người phụ nữ trong câu chuyện. "Những câu chuyện như thế này làm nản lòng những người tử tế. Sau này, liệu mấy ai còn dám giúp đỡ người bị tai nạn giao thông?", một tài khoản viết.
Cũng có ý kiến băn khoăn rằng, nếu sau khi công an làm rõ sự việc, người phụ nữ tốt bụng này được minh oan thì gia đình người làm đơn kiện chị sẽ bị xử lý thế nào? Chị V.A. có thể kiện lại họ tội vu khống không?
Khởi kiện thiếu căn cứ, có thể bị xử lý tội vu khống!
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của bản thân, chị V.A. hoàn toàn có thể làm đơn tố cáo hành vi vu khống của người thân nạn nhân bị TNGT mà chị đã cứu giúp.
Theo đó, vu khống là hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Những thông tin sai sự thật này dù không có tính xác thực nhưng khi bị lan truyền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống của người bị vu khống.
Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của bản thân và trừng trị kẻ vu khống người khác, người bị vu khống có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan chức năng để được xử lý.
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định như sau:
1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Theo quy định trên, người bị vu khống có quyền tố giác, báo tin tại cơ quan điều tra công an địa phương hoặc tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người bị vu khống hoặc người vu khống.
Tuy nhiên, khi tố cáo người khác vu khống mình với cơ quan chức năng, người tố cáo cần cung cấp được đầy đủ các thông tin, bằng chứng chứng minh những gì mình tố cáo là đúng sự thật.
Tội vu khống bị xử lý ra sao?
Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định trên, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến 07 năm.
Ngoài việc bị xử lý hình sự, người phạm tội vu khống còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Theo điều 592 Bộ luật Dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế mà người bị vu khống bị mất hoặc giảm sút; ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định./.