Với truyền thống hiếu học và trọng chữ, yêu văn chương của người Việt thì mỗi dịp Tết đến xuân về, được tặng thơ, tặng “chữ” là một vinh dự, xem đó như một lời chúc phúc đầu năm mới. Văn chương cũng như những món quà tinh thần con người trao tặng nhau đầu xuân, thể hiện sự thanh cao và tinh túy, cốt cách của người cho và nhận.

Trong nghìn năm văn hiến của dân tộc, văn chương có vị trí quan trọng. Văn chương đánh giặc góp phần  giữ nước, văn chương làm nên văn hiến góp phần dựng nước. Văn chương là hồn cốt của dân tộc, là hơi thở của cuộc sống, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân về.

vov_1_casy.jpg
Có nhiều hình thức thể hiện tinh thần "trọng chữ" của người Việt, chẳng hạn như xin chữ, xin câu đối đầu năm.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Trọng Dương thì: "Văn chương hiển hiện qua từng nét văn hóa cụ thể, từ việc xin chữ, cho chữ, treo hoành phi câu đối, rồi treo tranh Tết. Trong những bức tranh ấy đã có cả thơ lẫn họa "thi trung hữu họa, họa trung hữu thi" rồi. Trong thơ còn có cả những vấn đề về triết lý sống, ước vọng sống của con người muốn gửi gắm qua văn chương. Văn chương cũng được thể hiện qua chữ Nôm, chữ Hán được dán trên cửa hay ở trên ban thờ. Lúc đó nó không chỉ là văn chương nữa mà có cả chất "thiêng" ở trong đó. Nó được dùng để thờ, để con người chiêm bái và ngưỡng vọng với tổ tiên".

Điều đó cũng có nghĩa là từ lâu người Việt đã thực hành văn chương, thực hành nghệ thuật ngay trong đời sống thường nhật. Có nhiều hình thức thể hiện tinh thần "trọng chữ" của người Việt, chẳng hạn như xin chữ, xin câu đối đầu năm. Đem chữ của mình để đối lại lòng người...là cái tâm của người cho chữ và xin chữ. Trong dân gian vẫn thường hay kể chuyện vua Lê Thánh Tông trong đêm 30 Tết đi vi hành và cho chữ trong dân, đặc biệt là những thân phận thấp hèn trong xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí - Viện Nghiên cứu Hán Nôm kể lại: "Một lần, vua đi qua nhà một gia đình làm nghề “dọn vệ sinh” - theo quan niệm cũ nghề này được coi là hèn kém nhất trong thiên hạ. Thấy trong nhà có tiếng khóc, nhà vua mới hỏi thì người phụ nữ thưa: nhà con làm nghề nghèo hèn lắm, kể ra cũng kiếm được bát ăn nhưng xin câu đối về để kể cái nghề của nhà con thì sợ làm xấu hổ đến các cháu. Vua mới hỏi làm nghề gì thì chủ nhà thưa: nhà con làm nghề đi nhặt phân. Vua cho rằng nghề đó là cao quý nên viết cho một câu đối, trong đó câu kết là “Tận thu thiên hạ nhân tâm” tức là thu hết được lòng dạ của mọi người trong thiên hạ".

Câu đối Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng sư trụ trì Chùa Trầm (Hà Tây cũ) vào dịp Tết Đinh Hợi 1947: "Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành".

Tiếp nối tinh thần yêu văn chương, suốt 24 năm trên cương vị là Chủ tịch nước, Bác Hồ đã có hơn 20 bài thơ chúc Tết gửi tới quốc dân đồng bào trong thời khắc Giao thừa. Như bài thơ xuân chúc Tết năm Giáp Thìn 1964, bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, Bác viết: "Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/Rồi đây thống nhất thành công/Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân".

Nói như nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm (Thanh Hóa) thì lời động viên tinh thần, món quà đầu xuân năm mới ấy của Người như tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kì: "Được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đã trở thành thông lệ, cứ mỗi xuân về Tết đến chúng tôi lại náo nức đón nhận. Tôi là người sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là một trong những người đã từng háo hức chờ đón thơ chúc Tết của Bác Hồ, đành rằng hồi ấy tuổi tôi còn rất nhỏ".

Tuy vậy, Tết ngày nay đã có nhiều thay đổi, hương vị Tết bây giờ cũng khác với Tết xưa. Người ta cũng ít làm thơ chúc Tết đầu năm mới, người cho chữ và xin chữ nhiều nhưng không mấy người "thấm" được tinh thần trong từng con chữ. Vị trí của văn chương trong sự tiếp xúc với các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác, với nhiều kênh truyền thông cũng bị xê dịch đi phần nào. Rất nhiều người biến chuyện tặng quà Tết để mưu cầu nhiều lợi ích khác thay vì tặng nhau một cuốn sách hay, một tác phẩm văn chương đẹp.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng: "Văn chương như một thức ăn quý của tâm hồn. Chính vì thế trong sự nghiệp văn chương của chúng tôi bao giờ cũng muốn mang tới cho con người những chia sẻ về vẻ đẹp của con người, của cuộc đời. Và có lẽ tất cả những điều đó làm cho tâm hồn con người ngày càng phong phú hơn, đặc biệt đối với thế hệ chúng tôi là tinh thần yêu nước. Yêu nước không chỉ là bảo vệ Tổ quốc mà còn là xây dựng Tổ quốc".

Từ câu đối vua Lê Thánh Tông tặng dân nghèo cho đến những bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời khắc Giao thừa... tất cả đều như những món quà tinh thần, hướng con người đến những điều tốt đẹp. Để biết rằng, mỗi thời đại đi qua, dẫu cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng sẽ có những giá trị mãi mãi không bao giờ phôi pha./.