Liên quan đến sự cố “dây chuyền” trong công tác sưu tầm, biên soạn tác phẩm văn học dân gian đã biến tác phẩm trường ca Đi đánh Thần Hạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa thành truyện cổ dân gian Bạc Liêu, PGS Chu Xuân Diên ngày hôm qua đã chính thức đăng đàn thẳng thắn thừa nhận thiếu sót và ngỏ lời xin lỗi đến tác giả.

PGS Chu Xuân Diên là chủ biên cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu, NXB Văn nghệ TP HCM. Cuốn sách xuất bản năm 2005, được biên soạn sau 5 tuần đi điền dã của hơn 500 lượt thày trò Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM.

PGS Chu Xuân Diên thừa nhận thời gian sưu tầm chỉ diễn ra trong thời gian nhất định nên cuốn sách không bao quát toàn bộ đời sống văn học dân gian của Bạc Liêu. Quá trình sưu tầm văn học dân gian phải thực hiện lâu dài, mỗi tác phẩm có thể có nhiều dị bản ghi lại ở những thời điểm khác nhau. Còn bản ghi Đi đánh thần hạn lại chỉ do duy nhất một người kể, người đi điền dã đã không sưu tầm thêm bất cứ dị bản nào.

Trước đó, trong thư gửi đến VOV online, PGS-TS Nguyễn Thị Huế -người cùng cộng sự đưa “truyện cổ” Đi đánh thần hạn vào Từ điển Type truyện dân gian Việt Nam, đã cho rằng lỗi chính không phải do họ: “Công trình của chúng tôi sử dụng nguồn tư liệu đã được công bố cách đây 8 năm về trước và được tái bản cách đây 2 năm chứ không hề “biến” truyện thơ của nhà thơ thành một truyện dân gian”.
bia-sach-tu-dien.jpg
Bìa cuốn sách do PGS-TS Nguyễn Thị Huế chủ biên (ảnh: Trần Thiện Khanh/Viện Văn học)
PGS-TS Nguyễn Thị Huế chỉ thừa nhận thiếu sót đáng tiếc của nhóm biên soạn là “do trung thành với các bản sưu tầm đã được công bố và chưa có điều kiện thẩm định nguồn của nguồn truyện kể dân gian này nên chúng tôi chưa đối chiếu các nguồn tại liệu khác nhau về type truyện này.”

Như một bài phân tích của VOVonline về lỗi khoa học đơn thuần khá “tương đồng” dẫn đến sai sót liên tiếp của cả hai nhóm tác giả. Tuy nhiên, mức độ sai sót và nghiêm trọng thì lại ở cấp số nhân.

Điều đáng nói là cùng một sự việc nhưng thái độ ứng xử của chủ biên hai cuốn sách có sự khác nhau. Người này thẳng thắn nhận lỗi, còn người kia thì lấp liếm - điều khó chấp nhận đối với những người làm khoa học chân chính.

Vẫn biết rằng “văn hoá nhận lỗi” ở Việt Nam còn yếu. Nhưng với những người làm khoa học thì chân lý là thứ luôn phải tuyệt đối đề cao. Xin lỗi là sự thể hiện ý thức trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội.

Từ xin lỗi, đến nhận trách nhiệm là cả một sự tiến bộ. Nhưng nhận trách nhiệm xong thì phải sửa sai như thế nào cũng là một việc cần bàn. Trong hai phản hồi ít nhiều có sự thừa nhận sai sót của chủ biên hai cuốn sách tuyệt nhiên không thấy có một lời hứa nào về điều này.

Có lẽ, những người có trách nhiệm liên quan đến việc biên soạn và xuất bản hai cuốn sách nên có những động thái làm yên lòng độc giả bằng việc rà soát lại sản phẩm của mình, “xem có còn trường hợp nào tương tự như Đi đánh Thần Hạn không? Khi sơ suất đã được bạn đọc phát hiện cũng cần đính chính, hoặc điều chỉnh nêu rõ nguồn gốc” - như lời đề nghị của nhà thơ Trần Đăng Khoa trước khi chính thức khép lại chuyện này./.