Tác phẩm khẳng định tinh thần nhân đạo, khoan hồng và mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới của Việt Nam. Nhân dịp ra mắt bản chính thức tác phẩm “Phi công Mỹ ở Việt Nam”, phóng viên Phương Thúy phỏng vấn nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng - tác giả công trình này.

PV: Nhà báo Đặng Vương Hưng từng chia sẻ, cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam” bản năm 2013 có bổ sung khá nhiều chi tiết mà trước đây chưa một phương tiện thông tin nào công bố. Trong những chi tiết ấy, ông ấn tượng với chi tiết nào nhất?

Nhà báo Đặng Vương Hưng: Thực ra, những chi tiết lịch sử thì các báo đã đề cập rải rác nhưng để tập hợp thành một cuốn sách thì đây là lần đầu tiên, tương đối đầy đủ. Ngay từ bìa cuốn sách, lần đầu tiên tôi công bố bức họa bản của báo “Việt Nam độc lập” (hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia), trong đó thể hiện mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với phi công Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Đó là tranh họa bản và được cho là do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp sáng tác, trong đó có cụm từ “Quân đội Mỹ là bạn ta; Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh”.

sach1.jpg
Nhà báo Đặng Vương Hưng - tác giả cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam”

Cách đây gần 70 năm, tức là năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cứu một phi công Mỹ là William Shaw (bị quân Nhật bắn rơi xuống huyện Hòa An, Cao Bằng). Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa anh ta vượt cả ngàn cây số sang Côn Minh, Trung Quốc. Thông qua hành động này kết nối được với đại diện cao nhất của quân Đồng Minh.

Thời gian đó, cụ Hồ đã xin được 1 bức ảnh, có đề “Người bạn chân thành của tôi”. Bức ảnh đó, như một tín vật  mà sau này chứng minh được rằng chúng ta đã kết nối được với lực lượng Đồng Minh trên thế giới.

PV: Với nhiều chi tiết đắt giá như vậy, ông có thể nói rõ hơn làm thế nào để tiếp cận với tài liệu đó, đặc biệt là từ phía các cựu binh Mỹ?

Nhà báo Đặng Vương Hưng:Tôi đã thông qua một người bạn, Giáo sư Benjamin – là tác giả cuốn “Cuộc oanh kích của Mỹ” và một số tác giả nữa đã trao đổi tư liệu với nhau. Loạt bài về Sơn Tây của tôi được các học giả Mỹ quan tâm. Một nhà sưu tầm thư chiến tranh đã gửi cho tôi tư liệu để làm cuộc sưu tầm từ năm 2004, 2005 để ra nhật kí Nguyễn Văn Thạc. Chính họ đã gợi ý cho chúng ta và tôi đã kết hợp tư liệu từ hai phía Mỹ và Việt Nam.

PV: Từ những đợt vận động sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những Lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, tủ sách “Chuyện đời tôi”, cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến (2008 - 2010… dường như ông rất có duyên với mảng đề tài chiến tranh, lịch sử?

Nhà báo Đặng Vương Hưng:Do cơ duyên làm báo, trước kia tôi làm ở tờ An ninh thế giới nên rất quan tâm mảng sách là tư liệu chiến tranh. Thực ra cũng là một lợi thế khi được tiếp xúc những kho lưu trữ. Thứ hai là tôi viết tương đối khách quan nên được phía Mỹ, đặc biệt là cựu tù binh Mỹ rất ủng hộ.

Năm 2009, tôi đã tiếp Trung tướng Stiff, câu chuyện rất cởi mở và ông đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu. Sau này, một số thống đốc bang hay cựu tù binh Mỹ khi sang Việt Nam đều tìm đến tôi. Mỗi người một góc độ, một tư liệu và tôi khớp lại cùng với tư liệu phía Việt Nam nữa để hình thành nên cuốn sách này.

PV: Nếu như vậy thì “Phi công Mỹ ở Việt Nam” vẫn chưa là bản cuối cùng, thưa ông?

Nhà báo Đặng Vương Hưng:Năm 2010, tôi đã công bố bản thử nghiệm, rất mỏng. Sau đó tôi được sự góp ý, trợ giúp rất nhiều của các cựu chiến binh và nhân chứng, ở cả phía Mỹ và Việt Nam. Tôi thấy cần phải bổ sung cho khách quan và trung thực về tư liệu. Và tôi nghĩ rằng đây vẫn chưa là bản cuối cùng. Tới đây nếu có thêm tư liệu thì tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm cuốn sách này.

PV: Xin cảm ơn ông./.