Như bao cậu học trò nhỏ khác, cậu bé Phạm Thắng cũng có những kỉ niệm êm đềm đáng nhớ về tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch của mình ở trường, ở lớp. Nhưng những điều mắt thấy tai nghe về nạn đói, về sự dã man của thực dân Pháp, phát xít Nhật… đã hun đúc trong lòng cậu học trò nhỏ lòng yêu nước, để sau này, cậu bé ấy đã trở thành một thành viên của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, hoạt động trong lòng địch, cung cấp nhiều thông tin mật cho Sở chỉ huy Liên khu, góp phần Giải phóng Thủ đô. Cuốn sách vì thế, cũng là một tư liệu quý, sinh động về tuổi thơ Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám.
Tại buổi giao lưu, nhà văn Phạm Thắng chia sẻ: “Tôi kể lại những kí ức đó của mình muốn để các bạn trẻ ngày hôm nay hiểu thêm về khoảng thời gian trước Cách mạng, trong Cách mạng và sau Cách mạng. Những ngày sau kháng chiến toàn quốc để các bạn có thể hình dung được sự đổi thay của đất nước ta ngày hôm nay so với thời kì tôi còn trẻ, ở thời niên thiếu, để từ đó các bạn có thể hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước cũng như lịch sử Thủ đô.”
Nhà văn Phạm Thắng cũng là tác giả của nhiều tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi như: “Chỉ tại con mèo” (Giải Ba Văn học viết về Thầy giáo và Nhà trường năm 1962), hồi kí “Đội thiếu niên tình báo”, “Tâm sự chiếc chìa khóa đồng”, “Sứ thần liên lạc”, “Theo bước cha anh”.
Riêng cuốn sách “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” của ông (ra đời cách đây gần 30 năm), qua 7 lần tái bản đã để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với nhiều thế hệ trẻ về tinh thần gan dạ, không ngại hiểm nguy của những thiếu niên làm nhiệm vụ liên lạc trong lòng Thủ đô thời kì kháng chiến. Cuốn sách này đã cùng với "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng" của nhà văn Xuân Sách và "Đội thiếu niên du kích thành Huế" của Văn Tùng trở thành ba tác phẩm một thời được các em thiếu niên, nhi đồng yêu thích tìm đọc./.