Trong tác phẩm “Số ít được lựa chọn”, hai tác giả Maristella Botticini và Zvi Eckstein sẽ dẫn người đọc trở lại thời kỳ từ năm 70, tức từ thời điểm Đền thờ Jerusalem bị Đế quốc La Mã san bằng lần thứ 2 khi người Do Thái còn làm nghề nông và mù chữ, cho đến năm 1492 khi các cộng đồng Do Thái đã biết đọc, biết viết và có thể đứng vững tại các đô thị rải rác khắp châu Âu, châu Phi, và châu Á.

Theo Maristella Botticini và Zvi Eckstein, những đặc trưng này của người Do Thái là kết quả của một quá trình chuyển biến sâu sắc của tín ngưỡng Do Thái sau khi Ngôi Đền thứ 2 bị phá hủy năm 70 sau Công nguyên. Quá trình chuyển biến này làm thay đổi giới lãnh đạo tôn giáo trong cộng đồng Do Thái, biến Do Thái giáo từ một tín ngưỡng dựa trên nghi lễ hiến sinh trong đền thờ thành một tôn giáo với giáo dục là chuẩn mực chính, yêu cầu tất cả người Do Thái phải đọc và nghiên cứu Kinh Torah bằng tiếng Hebrew, gửi con trai của mình từ 6 đến 7 tuổi tới trường tiểu học hoặc giáo đường để học Kinh Torah.

so_it_dc_lua_chonrr_zago.jpgBìa cuốn sách "Số ít được lựa chọn"

Có thể nói, chính giáo dục đã định hình lịch sử Do Thái trong giai đoạn 70-1492 và trong những thế kỷ tiếp theo. Cũng từ thời điểm này, dân tộc Do Thái và Do Thái giáo đã có được được một nền tảng trí tuệ vững chắc, giúp họ những bước tiếp theo cho đến khi quốc gia Israel được Liên Hiệp Quốc chấp nhận thành lập vào năm 1948, rồi kéo dài cho đến ngày nay.

Trong lời giới thiệu của cuốn sách, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam nhấn mạnh: “Số ít được lựa chọncung cấp những kiến thức đặc sắc về lịch sử Do Thái trên khía cạnh kinh tế và sự chuyển đổi trong nghề nghiệp chuyên môn của người Do Thái, từ những nông dân thành những cư dân thành thị làm việc trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, ngân hàng, luật và nghiên cứu khoa học”.

Cuốn sách diễn giải quá trình giáo dục đã định hình nên lịch sử Do Thái và tính then chốt của yếu tố giáo dục trong sự chuyển đổi về chuyên môn nói trên. Quy tắc tôn giáo quy định nền giáo dục Do Thái phổ thông, trong đó mọi trẻ em Do Thái phải học đọc và viết, đã được ban hành từ thế kỷ đầu tiên. Chính điều này đã đem lại lợi thế cho người Do Thái trên thương trường sau này. Bên cạnh khía cạnh giáo dục, cuốn sách còn viết về sự ảnh hưởng của quy tắc tôn giáo Do Thái đặt trong sự phát triển toàn cầu tới các yếu tố nhân khẩu học, phân bố dân cư và lựa chọn nghề nghiệp của người Do Thái.

Qua lăng kính kinh tế, các tác giả đã phân tích những yếu tố then chốt trong 15 thế kỷ hình thành của lịch sử Do Thái, giúp người đọc hiểu được cách cộng đồng người Do Thái tận dụng những lợi thế tương đối của mình để tìm kiếm cơ hội phát triển nền kinh tế.

Cũng giống như những người Israel, người Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và việc đầu tư vào lĩnh vực này. Vì thế, cuốn sách “Số ít được lựa chọn”, do Thaihabooks phát hành sẽ giúp độc giả Việt Nam tìm hiểu thêm về lịch sử Do Thái, qua đó hiểu hơn về đất nước Israel hiện đại ngày nay./.