Sau 20 năm dịch chuyển từ miền núi Hà Giang về đô thị với 19 cuốn sách từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, kịch bản phim như "Chuyện của Pao", "Lặng im dưới vực sâu", "Chúa Đất", nhà văn Đỗ Bích Thúy dường như đã có một quãng dừng để sống chậm lại, nhìn vào chính mình, nhận rõ "bản lai diện mục" con người mình để trải lòng với độc giả về chuyến hành trình của sự trở về trong “Tôi đã trở về trên núi cao”.

Ngay từ tiêu đề cuốn sách đã chứa đựng một triết lý: Ra đi, đi mãi rồi cũng phải trở về, và trở về nói cách khác chính là đích cuối cùng của chuyến đi. Hành trình "trở về" của Đỗ Bích Thúy có thể là một chuyến đi rất thật nhưng cũng có thể chỉ là những chuyến đi trong tâm hồn chị, tâm hồn của một người đàn bà 40 tuổi với nhiều xung động, với nhiều "dư chấn" mang một mã số "riêng". "Trở về" sau quãng thời gian chị rời vùng núi cao Hà Giang để về sống trong lòng Hà Nội.

img_4482_bgxy.jpg
Nhà văn Đỗ Bích Thúy trải lòng về tản văn "Tôi đã trở về trên núi cao"

Những câu chuyện trong "Tôi đã trở về trên núi cao" là những câu chuyện đã qua, dưới con mắt chọn lọc, nhạy cảm của một ngòi bút tinh tế được kể với giọng điệu dung dị, gần gũi như tự truyện, không chỉ gợi lại hồi ức, kỉ niệm của nhà văn Đỗ Bích Thúy mà còn mang đến sự đồng cảm rung động về một miền ký ức thấp thoáng trong độc giả. 

Nhiều đoạn như một thước phim tài liệu, cô đọng nhưng hàm chứa những hình ảnh lay động: “Đầu gối sát tai. Những sợi tóc trắng như mây rơi ra ngoài khăn vấn. Phía sau mí mắt nhăn rúm lại là đôi mắt tinh anh kỳ lạ. Và tôi nhớ mùi lá thuốc phơi héo. Bà chẳng phải bà tôi. Tôi với bà cũng chưa bao giờ hiểu người kia nói gì. Sao tôi nhớ bà đến thế? Tôi nhớ giọng nói, nhớ mùi khói bếp trộn với mùi lá thuốc trên người bà. Nhớ cái cảm giác yên bình dễ chịu khi tôi ngồi đó và bới những mẹt lá mềm xốp thơm tho của bà…”. 

"Cô Thúy "đã trở về trên núi cao" - nơi cao nhất và cũng là nơi sâu nhất sau bao thăng trầm thay đổi để như một sự giác ngộ, có thể nhìn vào chính tâm hồn cô trong hơn 200 trang sách", nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ trong buổi ra mắt sách: "Mỗi một câu chuyện nhỏ đều hiện rõ sự nhận thức lại đời sống, nhiều quan niệm từ sau nhiều chiêm nghiệm, để cuối cũng bao giờ nhận thức ra điều nào đó, cảm giác nào đó chốt lại cho rõ cái cõi lòng sâu thẳm của người với người, người với vật, người ta với quê hương, bản quán hay mảnh đất mình đang sống.

Cô Thúy "đã trở về trên núi cao" - nơi cao nhất và cũng là nơi sâu nhất sau bao thăng trầm thay đổi để như một sự giác ngộ, có thể nhìn vào chính tâm hồn cô trong hơn 200 trang sách". 

Tản văn mới nhất của nhà văn Đỗ Bích Thúy "Tôi đã trở về trên núi cao"

Tiếp tục viết về miền núi với những vỉa tầng địa lý, văn hóa, xã hội vô tận của nó trong tác phẩm mới nhất này. Cảm hứng sống gần thiên nhiên thấm đẫm tinh thần “tối giản” lan tỏa nhẹ nhàng suốt những trang sách. Chị chia sẻ rằng "Tôi nghĩ rằng, tôi là một nhà văn hạnh phúc và may mắn khi tôi có một mảng đề tài, một mảnh đất, một vùng văn hóa để nhớ thương, yêu mến và tha thiết với nó".

Tuy nhiên, độc giả dễ dàng bắt gặp trong cuốn sách này những trang tản văn về Hà Nội với cái nhìn rất riêng, những quan sát tinh tế, giàu trực cảm của nhà văn Đỗ Bích Thúy. "Hà Nội, vẫn còn đâu đó những cũ xưa phảng phất. Không phải ở những gì to lớn, vạm vỡ, mà là ở những góc nhỏ, lặng yên như thế”, trích trong "Tôi đã trở về trên núi cao". 

Ngoài những trang sách dịch chuyển thể hiện tình yêu quê hương giản dị, chân thật, cuốn sách còn là những trang viết đẹp, mang đậm triết lý. "Chúng chạm tới hết thảy những tha thiết trong ta về một tình yêu rộng lớn, dịu ngọt và mãnh liệt với con người, cuộc sống" để "Người có thể yêu người mà không nhất thiết phải nói gì với nhau"./.