Lữ Mai là nhà thơ được biết đến khá sớm khi đang là sinh viên khoa Sáng tác và phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Chị đã cho ra mắt bạn đọc các tập thơ “Thơ trẻ 360 độ - 8 gương mặt” ( in chung), “Giấc” , “Hà Nội không vội được đâu”, “Mở mắt rồi mơ”, “Thời cách ngắn trống rỗng”.
Là nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 8X, nhà thơ Lữ Mai có một giọng điệu riêng trên văn đàn, khẳng định sự trưởng thành về phong cách thơ. Chị đã dành cho phóng viên VOV cuộc trò chuyện về những nhà thơ trẻ cùng thế hệ.
Nhà thơ Lữ Mai. |
Tác giả trẻ có sự vận động khá sôi động
PV:Chị nhận xét như thế nào về lớp nhà thơ trẻ hôm nay?
Nhà thơ Lữ Mai:Khi nói đến văn học trẻ, người ta sẽ hình dung ra những tác phẩm trẻ trung, đúng như cách họ đang sống với đời sống đương đại. Theo dõi đời sống văn học trẻ, tôi thấy các tác giả trẻ có sự vận động khá sinh động, sôi động trong đời sống cũng như trong sáng tác. Với thơ ca, ngoài những sáng tác theo lối thông thường, họ đã biết tìm tòi, thể nghiệm những hình thức thể hiện mới như là thơ về thị giác, thơ sắp đặt.
Ngoài ra, họ tích cực tham gia những chương trình thơ tương tác với các tác giả nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài, như Trung tâm văn hóa Pháp, Hội đồng Anh. Tôi cho rằng đó là dấu hiệu của sự vận động và phát triển. Có thể điểm tên một số tác giả trẻ cùng thế hệ với tôi mà tôi ngưỡng mộ như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, nhà thơ Du Nguyên, Ngô Gia Thiên An. Đây là những gương mặt thường xuyên có sự tìm tòi thay đổi và sáng tạo.
PV: Cách họ tiếp cận và thể hiện đời sống hiện thực như thế nào, thưa chị?
Nhà thơ Lữ Mai: Trong thơ trẻ, tôi thấy các bạn trẻ thể hiện khá cởi mở nên những màu sắc trong đời sống diễn ra như thế nào thì cũng được phản ánh trong thơ như thế. Ví dụ nhà thơ Nguyễn Phong Việt có lối viết thơ rất gần với lối nói, lối viết status trên facebook, rất tiệm cận với bạn đọc ở thời buổi công nghệ số mà cũng rất sâu sắc. Rồi bạn Ngô Gia Thiên An đang là sinh viên nhưng viết rất khá, rất mới mẻ, mới lạ mà vẫn giữ được những nét cơ bản trong văn hóa, trong lối hành văn thể hiện sự giữ gìn trong sáng của Tiếng Việt. Tôi rất thích những lối viết như vậy.
Cần có sự cởi mở hơn với lớp trẻ
PV: Việc tiếp cận với thơ ca thế giới, đặc biệt là sự giao lưu trong khu vực và thế giới, phong trào dịch thơ... có ảnh hưởng như thế nào đối với các tác giả trẻ, thưa chị?
Nhà thơ Lữ Mai: Khi còn học đại học, tôi đọc nhiều những bản dịch thơ ca. Hiện nay, tôi thấy sự du nhập của các tác phẩm nước ngoài phong phú, đa dạng hơn. Kể cả các nhà sách tư nhân cũng chú ý hơn mảng thơ dịch và các tác phẩm văn học dịch nói chung. Ngay cả những sự kiện lớn của Hội Nhà văn Việt Nam như Ngày thơ Việt Nam vừa qua thì sự kiện về thơ dịch cũng rất được ưu tiên. Bên cạnh đó, ở những giải thưởng lớn, những tác phẩm dịch cũng được đánh giá cao về chất lượng. Đây là một điều rất vui, giúp ích cho những người trẻ trong việc tiếp cận các nền văn học.
Qua trao đổi các hoạt động nghề nghiệp, tôi thấy những người trẻ đều quan tâm đến các tác phẩm văn học dịch. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản có nhiều thay đổi, có sự ưu tiên cho việc dịch các tác phẩm văn học ít được phổ biến ở Việt Nam, ví dụ như Cu Ba, sắp tới là Triều Tiên. Đó là tín hiệu đáng mừng. Có một điều mà tôi thấy rất vui là có những bạn trẻ đang là du học sinh ở nước ngoài nhưng họ đã dịch nhiều tác phẩm văn học rất tốt.
PV: Nhà thơ Vũ Quần Phương khi đọc về thơ trẻ của những người viết trẻ, ông nói rằng, cần có một tâm thế thực sự của người trẻ để đón nhận. Là nhà thơ trẻ, chị có đồng ý với quan điểm ấy không?
Nhà thơ Lữ Mai: Nhà thơ Vũ Quần Phương có cái lý riêng của ông. Ông là người thầy từng dạy tôi trên ghế nhà trường, hồi ấy ông cũng đã nói một câu tương tự như vậy. Tức là mình phải mở lòng ra, cởi mở hơn với lớp trẻ. Chúng tôi là thế hệ đi sau, chúng tôi cần những người đi trước mở lòng và đón nhận. Và cứ thế, tre già măng mọc, đó là quy luật rồi.
PV: Chị có tin những người viết trẻ sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho thơ ca Việt Nam đương đại?
Nhà thơ Lữ Mai: Đó là câu chuyện của tương lai, nhưng niềm tin là thứ cần được nuôi dưỡng. Những thế hệ nhà thơ lớp trước cũng đã ứng xử với chúng tôi theo cách đó, tức là họ đặt niềm tin vào lớp trẻ. Và trở lại với câu hỏi ấy, tôi nghĩ rằng, điều này phụ thuộc rất nhiều vào tài năng, tâm huyết, dung dưỡng của những người trẻ đối với văn chương. Chúng ta đã từng chứng kiến có những tài năng thực sự đã vụt sáng trên văn đàn, nhưng rồi sau một thời gian, họ chững lại và không xuất hiện nữa. Như thế thì tài năng của một cá nhân nào đó không phải lúc nào cũng tỏa sáng mãi. Do đó, văn chương cần được tiếp sức bằng nhiều cách, trong đó sự tự thân vận động là một điều hết sức quan trọng.
PV: Chị mong muốn điều gì để các nhà thơ trẻ ngày càng sáng tạo hơn trong nghề viết?
Nhà thơ Lữ Mai: Người viết luôn phải đặt ra những câu hỏi cho chính mình, phải luôn luôn trăn trở với mình. Thêm nữa, lối ứng xử của các thế hệ nhà văn đi trước và môi trường văn chương cũng là điều hết sức cần thiết. Chúng tôi cần sự quan tâm hơn nữa của các hội, tổ chức nghề nghiệp để thể hiện mình. Trong hoạt động sáng tác, chúng tôi cần nhiều hơn nữa các trại sáng tác cho người viết trẻ. Các giải thưởng cho người viết trẻ cũng cần được ghi nhận, ưu tiên. Những dự án dài hơi dành cho văn học trẻ cũng chưa thực sự được chú trọng, hay như các sự kiện của ngày thơ Việt Nam, liên hoan thơ quốc tế... nên chăng dành cho thơ trẻ, người viết trẻ sự cổ vũ và khích lệ nhiều hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn chị!./.