Nhà thơ Huy Cận khai sinh ngày 31/5/1919 nhưng thực sinh đúng vào tháng 1 (ngày 22-1917). Ông mất ngày 19/2/2005 tại Hà Nội. Được đánh giá là một trong  những tác giả xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới, Huy Cận đã để lại những bài thơ tình vào hàng tuyệt tác của nền thơ Việt. Trong một lần trò chuyện, ông đã tiết lộ những chi tiết ít người được biết về mối tình đã giúp ông viết nên những bài thơ bất hủ đó.

huy_can_scgl.jpg
Cố nhà thơ Huy Cận.
 PV: Hồi trẻ, ông đẹp trai như thế này, thì nhiều cô mê lắm...

Nhà thơ Huy Cận: Cũng có đẹp trai. Tôi nói thế này, tình yêu của tôi cũng như tình yêu của nhiều người, không có cái gì đặc biệt. Có những tình yêu lâu dài, dai dẳng cho đến tận sau này, cũng có những tình yêu ngắn ngủi và cũng có cả những tình yêu không thành, chứ không có gì đặc biệt. Anh cũng thế, ai cũng thế thôi, có những tình yêu không thành, mình muốn mà không thành, có những tình yêu thì thành nhưng mà ngắn ngủi, có những tình yêu dai dẳng suốt đời... Tôi cũng may là có được nhiều tình yêu, cho nên...

-  ...Làm được thơ?

- Tất nhiên, nhưng nó cũng chỉ là một nguồn thôi chứ không phải là nguồn duy nhất. Tình yêu đôi lứa không phải là nguồn thơ duy nhất. Còn có tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên... Nhưng tôi cũng có những cái tình yêu hấp dẫn. Năm 1940, chưa ra tập “Lửa thiêng”, nhưng báo Ngày nay liên tục đăng thơ tôi. Thế là tôi liên tiếp nhận được thư của một người không ký tên, nhưng trời ơi! Thư viết hay lắm, mê lắm, xúc động lắm! Mà tôi tiếc là tập thư ấy cháy mất trong kháng chiến, tôi để nó trong một cái hòm ở Hương Khê, nhà bị cháy nên cháy luôn, tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn. Cô này có trình độ văn hóa, có cả trình độ văn học nữa, mà không ký tên.

Có cái lạ là, tôi đi đến đâu thì thư đi đến đấy. Tôi đi nghỉ ở Đồ Sơn với Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, không biết lần mò địa chỉ thế nào mà thư đến kịp gặp tôi ở Đồ Sơn. Tôi học Trường Canh nông chủ yếu là ở Hà Nội, nhưng cũng có mấy tháng học ở Sài Gòn, thư cũng đến Sài Gòn. Lạ quá! Cái cô này, cô theo dõi mình một cách kinh khủng. Thư viết xúc động lắm!

- Chả lẽ sau này lại không gặp được nhau nữa?

- Cứ để tôi nói cho các anh nghe. Cái người viết ấy chữ không khác gì như chữ con trai, nhưng lời lại như lời con gái. Có một hôm, mùa đông năm 1940, tôi sắp sửa xách xe đạp đi học (Trường Canh nông hồi ấy ở vườn Bách Thảo, gần Lăng Bác Hồ bây giờ) thì có một cái bưu phẩm đến. Mình mở ra. Trời ơi! Một cái áo trắng rất đẹp. Đằng sau cổ thêu một câu thơ của tôi: “Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh”; câu ở trong bài “Tình tự”.

Nhà thơ Huy Cận ngày trẻ.
 - Tôi cũng thuộc lòng bài thơ ấy từ nhỏ:  “Tình rộng quá, đời không biên giới nữa. / Đây cửa mộng lòng em, anh hãy mở /  Màu thanh thiên rời rợi, gió long lanh: /Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh…”

 - (Cười): Đúng bài đó đó… Nhưng mà mình mở ra thì mặc không vừa, dù mình chưa béo như bây giờ... Thì mình cũng chả trách vì đã bao giờ người ta ôm mình đâu, mà mình cũng đã ôm người ta đâu mà biết vừa hay không (cười). Thành ra, áo thì rất đẹp nhưng  phải gói lại cho vào hòm rồi lại xách xe đạp đi. Hôm ấy trời rét nhưng  mình cảm thấy ấm vô cùng.

Sau đó mấy tuần, bấy giờ tôi ở ngõ Tân Hưng, nay là ngõ Tức Mạc, anh em ở chung khoảng 10 người, thì có một cô tự nhiên đến, mặc cái áo trắng rất đẹp, các ông ạ. Cái áo trắng bằng lụa Hà Đông. Cô ấy nói chuyện với tất cả mọi người nhưng mà phân biệt đối xử đối với tôi. Thế thì mình cũng đủ thông minh và đủ linh tính, thôi, chắc người này viết thư cho mình rồi.

Cô ấy là sinh viên Đại học Y, học sau tôi một lớp, thua tôi một tuổi. Hết buổi nói chuyện, cô dắt xe đạp ra về, thì tự nhiên cái chân tôi đi theo. Tôi xin nói là cái chân tôi đi theo chứ không phải là tôi đi theo (cười). Ra đến cửa ngõ, tự nhiên cô ấy dừng lại. Lúc bấy giờ, cô nói như thế này: “Anh có nhận đủ thư em không?”. Tôi bảo: “Có!”. Thế là cô lên xe cô ấy đi, không kịp nói câu gì nữa.

Cách đó mấy hôm, tôi nhận được một cái thư viết như một chỉ thị: “Chủ nhật tới, anh đến gặp em”. Thế là mình ngoan ngoãn nghe thôi. Hẹn 9 giờ, 9 giờ kém 10’, mình đến đã thấy cô ấy cũng đứng ở trước Trường Thú y, trên đường Bạch Mai. Bây giờ gọi nhau thế nào? Tiếng Việt Nam tài lắm, mình định gọi em nhưng mà chưa đủ tình cảm để gọi em, gọi nàng thì “Tự lực Văn đoàn” quá (cười), gọi cô thì lại khách sáo. Không cô, không nàng, không em thì phải làm thế nào? Thế là hỏi một câu không có chủ từ: “Đi đâu bây giờ?”. Nhưng cô rất chủ động: “Anh đi theo em”.

Thế là cô ấy lên xe đạp. Chỗ nào đường đông thì cô đi trước, mình lẽo đẽo theo sau; chỗ nào đường hơi rộng thì đi song song. Từ đó đi vào Thanh Xuân, trên đường vào Hà Đông thì dắt qua bờ ruộng đi vào một cái khóm cây, một cái rừng nhỏ, có một cái nhà thờ họ đạo nhỏ. Nói chuyện với nhau trên trời dưới đất, không đả động đến tình yêu.

Gặp nhau lúc 9 giờ, đi đến nơi 10 giờ, từ 10 giờ đến 12 giờ không nói đến tình yêu. Trước khi đi, cô ấy có chuẩn bị bánh mỳ xúc xích đi theo. Đến 12 giờ, thì chuông nhà thờ đổ. Tôi nghe chuông nhà thờ đổ, tôi cũng xúc động đấy nhé, mà chuông chùa cũng thế!

Lúc ấy cô ấy hỏi: “Anh có thuộc bài hát Cinema không?”. Tôi bảo tôi có thuộc, để tôi hát cho cô nghe, cô ấy bảo để em hát trước. Một bài hát rất hợp cảnh với chúng ta, một cái bài hát trong đó có một thôn nhỏ, một cái nhà thờ nhỏ, một buổi sớm mùa xuân. Cô ấy hát xong thì khóc nức nở... (Huy Cận hát: “Tình yêu ơi, ta thấy mặt em trong một sáng mùa xuân... Tình yêu ơi, ta được thấy mặt em và cả lòng phản bội của ta...”).

Lúc bấy giờ thì tôi nói thật là chưa đủ tình cảm, thế nhưng người ta hát vì mình, người ta xúc động vì mình! Tôi ôm cô ấy, xúc động, một hồi lâu. Rồi khi cô ấy hết khóc thì  lại nói chuyện trên trời dưới đất, không đả động đến tình yêu, rất lạ! Trong một hoàn cảnh như thế, tôi nói anh em thanh niên bây giờ các cậu không trong sáng bằng bọn tôi đâu. Chúng tôi lãng mạn nhưng rất trong sáng. Bây giờ chỉ 5 phút các cậu giải quyết hết! (Cười). Bọn tôi ngồi cả buổi sáng, đến 6 giờ chiều về mà vẫn chỉ êm ru thế thôi!

- Nhưng lớp trẻ bây giờ không có được khu rừng nhỏ với tiếng chuông nhà thờ như của ông. Bây giờ rừng nhỏ hết rồi, toàn là đường sá với nhà nghỉ thôi. Còn đâu được sự trong sáng lãng mạn nữa!

- Không đi ra giữa thiên nhiên, các cậu không hiểu hết được sự kỳ vĩ của tình yêu đâu. Đã yêu nhau bao giờ cũng phải đi ra giữa thiên nhiên, bởi vì chỉ có kích thước vũ trụ mới đo nổi nỗi xúc động của tình yêu. Đó là quy luật mà tôi khám phá ra. Chỉ có kích thước của vũ trụ mới đo nổi cái bề rộng, bề dài của rung động tình yêu. Các anh cũng đi ra giữa thiên nhiên thôi, các anh giấu tôi làm gì! (Cười). Tình yêu mà chỉ ngồi trong phòng thì không đủ, có đúng không?

Buổi chiều về, về theo đường Tàu Bay, hồi ấy không có đèn đường mà chỉ có đèn dinamo. Cô ấy mua hai thẻ hương, cô ấy cầm một, tôi cầm một trên tay để người ta đỡ đâm vào mình. Về đến chỗ Trường Thú y thì dừng lại, cô ấy gục vào vai tôi giục: “Thôi anh về!”. Tôi khóc. Buổi trưa cô ấy khóc, buổi chiều mình khóc. Tôi khóc thật, khóc nức nở...

- “Chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm...”.

- Không, không, không phải thế... Nhưng tại sao tôi khóc? Tại vì tôi thấy mối tình đẹp quá, cái tâm hồn đẹp quá, vậy nên tôi khóc. Cô ấy bảo: “Thôi, anh về!”. Anh thấy cái tình lạ không? Sau này, tôi có dịp sang Paris nhiều lần, người ta cho tôi biết địa chỉ, telephone của một phòng mạch ở miền Nam nước Pháp, đông khách mà cô ấy làm chủ. Tôi không lại. Tại sao? Tại vì tình ngày xưa nó đẹp như thế, bây giờ thì hai ông bà già hết rồi, con đàn cháu đống (cười)...

Thôi cứ để êm đi cái quá khứ. Nhưng cô ấy thỉnh thoảng có viết thư về cho một người bà con ở Hà Nội, bác sĩ Đặng Hiếu Chương. Anh Đặng Hiếu Chương bảo tôi, chị ấy vẫn hỏi thăm anh đấy. Bây giờ thì tôi tiết lộ được rồi. Cô ấy là người Bình Định...

- Cô ấy có đẹp không?

- Tôi nói rất công bằng. Cô ấy không xấu, không đẹp, nhưng mà xinh, có một cái duyên. Đẹp khác, xinh khác, nhưng cô ấy có một  tâm hồn làm cho mình mê...

- Lâu hơn, dai dẳng hơn, sâu sắc hơn?

- Sâu sắc á? Nhưng đó chỉ là một trong những cái tình. Kháng chiến rồi thành ra dở dang. Về sau gặp nhau lại chỉ khóc thôi...

- Ông có phải là một người đa tình không?

- Anh đánh giá như thế nào thì đánh giá, nhưng qua cuộc đời thì tôi cảm thấy tôi đa tình. Đam mê.../.