“Tủ sách “Cánh cửa mở rộng” không có nhiều sách dễ đọc. Nhưng nếu ai đủ tâm đắc để đọc nó thì sẽ đủ tâm đắc để giữ lại nó” - đó là ý kiến của các độc giả mến mộ tủ sách: “Cánh cửa mở rộng” có mặt tại buổi tọa đàm chiều 1/8 do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức tại Hà Nội.

Tủ sách “Cánh cửa mở rộng” được ra đời ngày 11/11/2011, là sự hợp tác của Nhà xuất bản Trẻ và Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt, nhằm giới thiệu những đầu sách có giá trị trong và ngoài nước tới bạn đọc.

Khi được hỏi về tiêu chí chọn sách xuất bản tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ đã khẳng định: “Chúng tôi không mong muốn xuất bản được nhiều sách, gom hết tri thức trong tủ sách này. Chúng tôi lựa chọn tiêu chí sách hay và bán được nhưng nếu được chọn một trong hai tiêu chí thì chúng tôi vẫn chọn sách hay để xuất bản”. 

ngo%20bao%20chau.jpg
GS Ngô Bảo Châu tại buổi ra mắt 3 tựa sách mới. (ảnh: P.T)

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ, với tư cách là một người giới thiệu sách, anh đã chọn những cuốn sách mà mình tâm đắc. Bên cạnh đó, thông qua sự giới thiệu của bạn bè để có nhiều cuốn sách có giá trị, chuyển tới độc giả. Những cuốn sách vừa để lại dấu ấn lớn, vừa có giá trị nhân văn lớn luôn được ưu tiên, thể hiện tinh thần khai sáng của tủ sách.

“Mỗi quyển sách có một thông điệp riêng của nó. Chúng tôi không phải là nhà văn nên không có vai trò chuyển tải thông điệp. Chúng tôi chỉ có vai trò khiêm tốn là mang đầu sách đến cho bạn đọc. Tinh thần chung của tủ sách là tinh thần khai sáng. Tôi rất muốn sự lựa chọn của các bạn không dễ dãi và khác hơn sự lựa chọn những cuốn sách dịch khác.” – GS Ngô Bảo Châu phát biểu tại buổi ra mắt tủ sách.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt 3 cuốn sách, nâng tổng số sách của Tủ sách “Cánh cửa mở rộng” lên 17 cuốn. Đó là tác phẩm văn học “Núi thần” (tác giả Thomas Mann), “Khởi sinh của cô độc” (tác giả Paul Auster) và sách khoa học tự nhiên “Tất cả chúng ta đều là cá” (tác giả Neil Shubin). Những cuốn sách đã xuất bản trước đó từng được độc giả đón đọc là: “Chết ở Venice” của Thomas Mann, “Alain nói về hạnh phúc” của Emile Chartier, “Con đường da cam” của David Zierler…/.