“Rộ lên trong tức khắc rồi lại lặng như tờ” - đó là cảm nhận của chính những người làm trong lĩnh vực xuất bản khi nói về câu chuyện Giải thưởng sách hàng năm. Việc công nhận sách đạt giải thưởng sách đẹp, sách hay hàng năm cũng không có nhiều tác động đến việc bán được nhiều sách sau đó hay không. Ngược lại, có một số cuốn sách được nhiều bạn đọc đón mua và được tái bản đến lần thứ 3 mới được công nhận sách hay. Nói như vậy để thấy, sự công nhận này khá muộn màng. 

Đoàn Thị Phương Dung, sinh viên lớp Xuất bản K31, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội chia sẻ, những thông tin về Giải thưởng sách Việt Nam hàng năm chỉ được biết đến sau khi được học về chính lĩnh vực này tại trường đại học: “Trước đây, em chưa biết nhưng khi vào học mới thấy các thầy cô nói về giải thưởng sách Việt Nam. Hầu như những cuốn sách bọn em đang xem đều mới, không gây được tiếng vang hay dư luận lớn để chúng em biết đến. Những đầu sách ấy chuyên sâu nghiên cứu về một số vấn đề, có tính chất giới thiệu để bọn em tham khảo thôi”.

sach2.jpg
Các ấn phẩm đạt giải sách hay chủ yếu thiên lại về lĩnh vực nghiên cứu nên không gây được nhiều tiếng vang trong dư luận

Như vậy, việc đưa sách tham gia xét giải thưởng dường như đang ở trong giới hạn ý kiến, quan điểm chủ quan của các nhà xuất bản. Việc công nhận giá trị tác phẩm muộn màng sẽ không tác động nhiều đến khâu phát hành. Còn chính bản thân độc giả cũng chưa có sự định hướng kịp thời và mua sách theo thị hiếu, trào lưu.

Theo anh Nguyễn Trương Quý - biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, giải thưởng sách sẽ không thể có uy tín nếu như không lấy độc giả làm trung tâm. Tuy vậy, mục tiêu này đang gặp phải khó khăn khi yếu tố thị trường hiện nay không công bằng với các loại sách nghiên cứu, khảo cứu vì ít người đọc. Trong khi đó, sách mang tính giải trí lại khá phổ cập, đối tượng người đọc rộng rãi hơn. Một giải pháp mang tính tổng thể là giải quyết hài hòa thị hiếu độc giả và sự định hướng của nhà xuất bản, truyền thông trong việc nâng cao văn hóa đọc. Đồng thời, khi thực hiện xét giải thưởng sách hàng năm, Ban tổ chức cũng nên định rõ tiêu chí, hạng mục.

“Tôi cũng chưa hình dung ra được đâu là phương án tối ưu. Nhưng các đơn vị có sách được giải thưởng cũng chưa được hình dung rõ lắm về tiêu chí xét giải. Vì tôi thấy nhiều cuốn sách hay nhưng lại đẹp hơn trong số những cuốn đạt giải sách đẹp. Hoặc ngược lại, hai giải thưởng hơi bị lẫn vào nhau. Kết quả hiển thị đáng lẽ phải rõ ràng, bởi tiêu chí giải thưởng là rất rõ nhưng khi đưa sản phẩm lên thì không nhìn ra được cái rốt ráo của những quyết định, lựa chọn”, biên tập viên Trương Quý cho biết.

Không chỉ dừng lại ở việc rạch ròi tiêu chí xét giải, nhiều ý kiến cũng cho rằng trong các kì xét và trao giải thưởng, các đơn vị làm sách tư nhân, sách liên kết không được nhắc đến trong khi họ có vai trò khá quan trọng. Nhiều cuốn sách ra đời có công đóng góp lớn của các đơn vị liên kết là các nhà sách tư nhân. Để các đơn vị làm sách tư nhân cùng được tham gia xét tặng giải thưởng, cùng chịu trách nhiệm về nội dung và hình thức các xuất bản phẩm trong mỗi lần xét giải thưởng nên chăng là việc cần thiết.

Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng thừa nhận giải thưởng sách Việt Nam là một giải thưởng đang từng bước được hoàn thiện, kể cả về quy chế, phương thức lựa chọn, xét tặng giải. Qua 9 năm, chúng ta thấy có những điều cần phải bổ sung, nhất là phải sửa đổi quy chế và thể lệ xét chọn giải. Vấn đề quan trọng là khi chọn giải xong phải tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để làm cho xuất bản phẩm thực sự có hiệu quả trong đời sống xã hội. Điều đó cũng đúng như tiêu chí của giải thưởng sách là phải đem lại tác động xã hội lớn.

Qua 9 năm, Giải thưởng sách Việt Nam chưa thực sự tạo được tiếng vang 
“Cái khó khăn nhất hiện nay là tình hình chung của ngành xuất bản đang đứng trước nhiều khó khăn. Khi khó khăn, để mà sáng tạo hay nói cách khác, để xuất bản ra những tác phẩm có giá trị cũng là điều vô cùng vất vả. Mặt khác, giá trị của giải thưởng sách của chúng ta đang rất thấp. Có những bộ sách của những tác giả, mà cả cuộc đời họ chỉ làm một bộ sách và được giải nhưng giá thành bán ra vô cùng thấp. Tôi cũng đề nghị có những chính sách hỗ trợ đối với các nhà xuất bản để làm tốt vấn đề này”, ông Đỗ Quý Doãn nêu ý kiến.

9 năm tổ chức trao giải thưởng sách Việt Nam chưa phải là chặng đường quá dài. Thế nhưng, việc tạo nên uy tín và tiếng vang với vai trò là một giải thưởng mang đến hiệu ứng xã hội lớn cho người đọc thì nên chăng, Giải thưởng sách Việt Nam cũng phải bắt đầu những tư duy và hình thức đổi mới. Uy tín của một giải thưởng được tạo nên không chỉ bởi sự lâu năm mà còn ở chính cách tổ chức nên giải thưởng đó./.