G.S Phan Huy Lê: Khảo cổ học tạo nên nhận thức rất mới về Hà Nội
Không chỉ đề cập đến lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, bộ sử “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” với cố gắng cập nhật những thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất trong và ngoài nước, đã làm nổi bật vai trò đặc biệt của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa tiêu biểu của quốc gia.
Công trình nghiên cứu này vừa được trao giải Vàng sách hay năm 2013. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê - chủ biên bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”.
P.V:Thưa Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, tính đến nay đã có hơn 6.000 công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Theo ông, bộ sử "Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” được vinh danh lần này có gì mới so với những công trình nghiên cứu trước trong lĩnh vực lịch sử - văn hóa?
G.S Phan Huy Lê: Trước bộ sử “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” thì đã có nhiều công trình nghiên cứu và biên soạn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Nhưng, có lẽ bộ sử đồ sộ đầu tiên là bộ lịch sử Hà Nội do cố Giáo sư Trần Huy Liệu, xuất bản năm 1960 với một tập khá dày. Sau đó, đặc biệt là trong những năm 90 của thế kỉ trước sang đến đầu thế kỉ 20, có 4 - 5 cuốn sách về Thăng Long - Hà Nội.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê - Ảnh: Việt Dũng |
Bộ sử “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đã tổng hợp được toàn bộ kết quả nghiên cứu mới nhất, mang tính chất hiện đại và cập nhật. Thứ hai, nó phản ánh một quan điểm mới về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, xuất phát từ địa giới hiện nay của Hà Nội. Nói như vậy để thấy phạm vi lịch sử Thăng Long - Hà Nội rất lớn.
Tuy nhiên, đây không phải là lịch sử của tỉnh, một khu vực hành chính mà là lịch sử của một trung tâm chính trị và văn hóa. Cho nên nó phải có tính quy tụ vào vị trí trung tâm đó và phản ánh được Thăng Long - Hà Nội một cách toàn diện. Đồng thời, nó không chỉ nặng về chính trị hay chống ngoại xâm (tất nhiên rất quan trọng) mà phải chú trọng nhiều hơn đến hoạt động kinh tế, xã hội và đặc biệt là văn hóa. Cuốn sách không chỉ khắc đậm những gương mặt tiêu biểu, kể cả vua chúa có công, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa mà còn hướng tới đời sống cộng đồng, tức là đời sống con người.
P.V:Nghiên cứu sâu hơn về văn hóa, khẳng định sâu hơn giá trị của nghìn năm Thăng Long, cụ thể đó là gì thưa Giáo sư?
G.S Phan Huy Lê: Gần đây chúng ta đã khai thác được rất nhiều tư liệu như gia phả Hà Nội, các tài liệu lưu trữ về Hà Nội ở trong nước và nước ngoài, tài liệu của các thương nhân, giáo sĩ nước ngoài viết về Hà Nội. Tất cả những cái đó đều góp phần mở rộng ra nhận thức mới về Hà Nội. Nhưng trong các lĩnh vực này, theo tôi có một lĩnh vực tạo nên nhận thức rất mới mẻ về Hà Nội đó là lĩnh vực khảo cổ học. Chúng ta đã phát hiện rất nhiều di tích trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội này, đặc biệt là phát hiện di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, phản ánh bề dày lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội, kéo dài từ thời tiền Thăng Long (ít nhất là thời Đại La - thế kỉ 7 - thế kỉ 9) cho đến tận bây giờ - thời đại Hồ Chí Minh.
Những gì tiêu biểu nhất của Thăng Long - Hà Nội ở tất cả các mặt: kiến trúc, các sản phẩm xây dựng, đồ ngư dụng của nhà vua và nhất là dấu tích của cung điện xưa… cho chúng ta một kho tàng tư liệu cực kì phong phú, để hiểu về Thăng Long - Hà Nội không phải bằng các nét miêu tả chung chung mà bằng những di vật cực kì cụ thể.
Đường cống thoát nước khổng lồ thời Lý - phát hiện mới tại Hoàng Thành Thăng Long. - Ảnh: Vietnamnet |
Tức là nhìn vào đó ta thấy, cung điện thời Lý - Trần và gạch ngói, trang trí thế nào. Hay, thước đo là yếu tố cực kì quan trọng trong kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc bằng gỗ. Thì bây giờ, dựa vào các số liệu này các chuyên gia đã xác định được thước đo thời Lý là 29,9 cm. Đó là những phát hiện mà nếu không có di tích này, chúng ta không thể biết được. Rồi quy hoạch Thăng Long, việc tạo dựng kiến trúc như thế nào trong hài hòa chung, đặc biệt là hài hòa với thiên nhiên. Chính những giá trị đó đã giúp di sản này đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới đúng vào năm 2010.
P.V:Ông hy vọng như thế nào khi bộ sử “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”, tập hợp công sức của rất nhiều nhà nghiên cứu sẽ phát huy ý nghĩa vào việc xây dựng Thủ đô trong những năm tới?
G.S Phan Huy Lê: Tôi nghĩ việc xây dựng Thủ đô hiện nay đã được xác định rất rõ trên các văn kiện, nhất là Luật Thủ đô. Tức là, Hà Nội với tư cách là Thủ đô thì không phải chỉ là một trung tâm kinh tế. Nhưng, Hà Nội là trung tâm đầu não, trung tâm chính trị, trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa, trung tâm khoa học, trung tâm của trí tuệ. Tôi nghĩ rằng đó là những gì tiêu biểu nhất và phải đạt tới của Thủ đô.
Và trong yêu cầu vị thế của một Thủ đô như vậy thì bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng về mọi mặt tôi nghĩ rằng yêu cầu về văn hóa rất cao; Chúng ta phải làm sao đó để kế thừa được toàn bộ di sản văn hóa mà ông cha đã xây dựng và kết tinh lại thành văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nó là tài sản vô giá và có thể coi là tiềm lực nội tại trong mỗi con người mà chúng ta phải làm sao đó phát huy tối đa.
Tuy nhiên, để làm được điều đó thì có rất nhiều điều phải làm, nhưng quan trọng nhất là mỗi người dân Hà Nội phải hiểu được mình đang sống trên mảnh đất như thế nào?; mỗi người cần có trách nhiệm gì trong sự phát triển chung của đất nước? Tôi nghĩ bộ sách này sẽ góp một phần nhỏ để đáp ứng yêu cầu đó.
P.V:Chắc chắn, những cập nhật trong thời gian tới sẽ cho chúng ta nhiều cái nhìn hơn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Nếu vậy thì bộ sách này sẽ còn được viết tiếp, thưa Giáo sư?
G.S Phan Huy Lê: Đây là tác phẩm có chủ trương từ năm 2007 và bắt đầu triển khai năm 2008, xuất bản năm 2011. Nó ra đời đúng vào lúc Hà Nội đã mở rộng địa giới từ năm 2008. Tôi đã từng nói, bộ sử này có một món nợ với Hà Tây cũ, tức là phần Hà Nội mở rộng chưa được phản ánh trong bộ sử này. Và chắc chắn gần đây sẽ có phần tái bản, trong đó chúng ta sẽ bổ sung phần Hà Tây với huyện Mê Linh và mấy xã của Hòa Bình được nhập vào Hà Nội.
P.V:Vâng, xin cảm ơn Giáo sư./.