Mới đây, 7 Nhà xuất bản gồm: Văn hóa Thông tin, Thể thao, Văn học, Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa dân tộc và Hà Nội cùng nộp đơn kiến nghị lên Cục Xuất bản với mong muốn được giảm giá thuê đất, thuê nhà. Thế nhưng, câu chuyện về giá nhà, giá đất là cái cớ để các nhà quản lý nhìn xa hơn về thực trạng hoạt động khó khăn của nhiều nhà xuất bản hiện nay khi đứng trước bài toán: kinh tế và chất lượng xuất bản phẩm. Tìm ra một mô hình hoạt động và chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp là mong muốn của ngành xuất bản.

Từ khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, Nhà xuất bản Hà Nội được quyền tự chủ nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Ngược lại, mô hình này cũng nảy sinh một số bất cập bởi khi chuyển thành doanh nghiệp, vô hình chung con mắt của người tiêu dùng đánh đồng xuất bản với doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng tiêu dùng khác. Vị thế bị giảm sút, mọi chính sách đều áp dụng ngang bằng với các doanh nghiệp khác mà quên đi xuất bản là hoạt động đặc thù trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, không lấy mục đích kinh doanh làm trọng.

tgd-gioi-thieu.jpg
Tổng biên tập Nguyễn Kim Sơn (áo hồng) giới thiệu với khách tham quan về các ấn phẩm của Nhà xuất bản Hà Nội. (Ảnh:NXB Hà Nội).

Chia sẻ về những khó khăn trong giá thuê đất, thuê nhà, ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội cho biết: "Khi là đơn vị sự nghiệp thì chúng tôi hưởng ngân sách của nhà nước, trụ sở đương nhiên không có ai động chạm tới. Khi là công ty vẫn hoạt động với chức năng như vậy, vẫn phục vụ mục đích chính trị, không lấy lợi nhuận làm chính. Vậy tại sao lại thu tiền thuê đất tùy tiện như thế được? Đã khó khăn trong hoạt động xuất bản, để nuôi nhau đã là khó rồi, bây giờ thêm  mấy trăm triệu tiền thuê đất thì tiền đâu ra?". 

Do áp dụng chính sách dành cho doanh nghiệp nên mới có chuyện giá thuê đất của Nhà xuất bản Thế giới tăng 87 lần, tiền thuê nhà tăng 7 lần. Tổng cộng 1 năm Nhà xuất bản Thế giới phải trả gần 4 tỷ đồng tiền thuê đất, thuê nhà. Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thế giới kiến nghị: "Nhà xuất bản Thế giới đang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực xuất bản thì mô hình doanh nghiệp này phải được nhìn nhận là hoạt động trong lĩnh vực đặc thù - văn hóa, tư tưởng. Do vậy, ở cấp vĩ mô cần những chính sách ưu đãi cao nhất, không chỉ về thuế đất, thuế nhà mà còn là ứng xử đối với bộ phận làm xuất bản - một công cụ quan trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu được phép chọn mô hình thì đối với NXB Thế giới, mô hình thích hợp là thực hiện song song hai nhiệm vụ: chính trị và tự chủ hoạt động kinh tế".
Văn hóa đọc sách in đang giảm sút cộng với điều kiện kinh tế khó khăn nên mới xảy ra mâu thuẫn giữa việc áp giá và khả năng trả của nhà xuất bản.

"Hoạt động về mặt phục vụ nhiệm vụ chính trị tư tưởng - chúng tôi sẽ hoàn thành đặt hàng của nhà nước, xuất bản sách nhằm phục vụ thông tin đối ngoại. Về mặt hoạt động kinh tế, chúng tôi có thể xây dựng bản thảo, xuất bản sách bán ra ngoài thị trường như các loại hàng hóa khác; liên doanh liên kết, cùng đầu tư xuất bản với đối tác nước ngoài. Đây là những ấn phẩm nằm ngoài sự đặt hàng của nhà nước" - Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm cho biết.

“Nếu để các nhà xuất bản hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp thì họ hoàn toàn có thể làm được. Nhưng nếu vậy thì không thể duyệt từng câu, từng chữ trong các sản phẩm xuất bản” - ông Nguyễn Kiểm nói.
Ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin Truyền thông cũng nhìn nhận, nhà xuất bản sẽ đuối sức và quá sức nếu cùng lúc phải lo giải hai bài toán, bài toán về nội dung và bài toán về kinh tế. Tức là, cùng một lúc nhà xuất bản phải gồng mình lên để làm hai việc: một là chịu trách nhiệm về nội dung; hai là phải lo bán được sách. Trong khi tư nhân chỉ lo bài toán kinh tế là phát hành được hay không.

Xuất bản hiện nay là một cái gì đó đang lúng túng về mặt cơ chế. Và chúng ta không dứt khoát được tư nhân, nhà nước phân định ra sao. Chỉ cần mỗi bên lấn lên một chút về mặt lợi ích và bên kia buông một chút về mặt trách nhiệm thì khi xuất bản phẩm ra thị trường mang đầy sai sót, thậm chí sai phạm rất lớn mà chúng ta không ngăn chặn được. Để khắc phục việc này tôi nghĩ cần phải có một cuộc đại phẫu thuật rất nghiêm chỉnh và có một cuộc đột phá mới có thể giải quyết được.

Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thế giới khẳng định, nếu thuế đất, thuế nhà không tăng trong 2-3 năm vừa rồi thì nhà xuất bản vẫn có khả năng trả được, chứ không phải từ trước đến giờ không có khả năng trả. Vì mức thuế đất tăng đột biến và quá sức chịu đựng trong khi doanh thu không tăng và có chiều hướng giảm bởi văn hóa đọc sách in đang giảm sút cộng với điều kiện kinh tế khó khăn nên mới xảy ra mâu thuẫn giữa việc áp giá và khả năng trả của nhà xuất bản. Nhìn rộng hơn, đây không chỉ là câu chuyện của giá đất, việc cân đối lại chính sách dành cho nhà xuất bản sẽ là điều cần làm trong tương lai gần.

"Việc tái cơ cấu lại chúng ta phải xác định các loại mô hình và nhà xuất bản sẽ tự chọn mô hình phù hợp cho mình. Chỉ có điều họ sẽ cùng chung ý kiến với các nhà xuất bản khác là chính sách tầm vĩ mô đối với ngành xuất bản là phải có yếu tố đặc thù chứ không phải ngang hàng như những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khác".

Ai cũng muốn đọc sách tốt, sách hay nhưng chúng ta lại thiếu một cơ chế rạch ròi đối với lĩnh vực này. Làm sách theo cơ chế: “Lời ăn, lỗ chịu” bấy lâu nay của các nhà xuất bản thật mâu thuẫn và khó xử với trách nhiệm lớn lao là nâng cao dân trí, phổ biến tinh hoa tri thức./.