“Phi công Mỹ ở Việt Nam”  là tác phẩm của nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng thực hiện, nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện trao trả những tù binh phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam (1973 - 2013). Buổi ra mắt giới thiệu sách vừa được Nhà xuất bản Công an Nhân dân tổ chức chiều tối 13/12 tại Hà Nội.

img_3355.jpg

Trên tinh thần tôn trọng lịch sử, ghi nhận và tập hợp tư liệu từ nhiều phía, nhà báo Đặng Vương Hưng đã cung cấp cho người đọc những thông tin liên quan đến lịch sử quan hệ Việt - Mỹ từ những năm 1944, 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp đỡ tù binh phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi ở Việt Nam kết nối với không quân Mỹ - đại diện quân Đồng Minh trong chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Tác phẩm cũng đề cập những chi tiết rất đời thực như: chế độ sinh hoạt của phi công Mỹ tại Việt Nam trong nhà giam Hỏa Lò; tù binh Mỹ được mời tham gia đóng phim cho Việt Nam; nữ tù binh Mỹ duy nhất trong nhà giam Hỏa Lò viết thư gửi ông trưởng trạm để xin nuôi một con mèo; Lầu Năm Góc đã tổ chức một cuộc tập kích đường không rất quy mô để giải cứu tù binh phi công Mỹ năm 1970 nhưng bất thành; bức thư của Đại tướng Ronald Robert, cựu Chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân Mỹ, gửi Trung tá Trần Sự, nguyên Chỉ huy trưởng Mặt trận Quảng Bình (1968) với nội dung như một lời xin lỗi muộn mằn tới người dân Việt Nam sau chiến tranh…

Hình ảnh về hoạt động của tù binh Mỹ tại nhà giam Hỏa Lò

Lễ ra mắt tác phẩm “Phi công Mỹ ở Việt Nam” còn có sự tham gia của nhiều nhân chứng là cựu chiến binh Việt Nam, những người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng trong trận giải cứu của Mỹ năm 1970 tại Sơn Tây, cán bộ quản giáo nhà giam Hỏa Lò.

Nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng là người khởi xướng cuộc vận động, sưu tầm, xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”, trong đó có tác phẩm “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc./.