Vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 70 Ngày toàn quốc kháng chiến, cũng là 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946 – 19/12/2016 ), nhà báo Phan Quang cho ra mặt bạn đọc tập sách nhan đề “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” (Nhà xuất bản Trẻ). Cuốn sách dày gần 450 trang in khổ 15,5x23cm, gồm những dòng “nhật ký” của chàng trai trẻ Phan Quang Diêu (tức Phan Quang) ghi trên bước đường làm báo Cứu quốc từ 1949 đến tháng 10/1954 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Nhiều nhà văn, nhà báo đã có những bài viết, đánh giá cao cuốn sách.
Nhà phê bình văn học Ngô Thảo, trong lời giới thiệu in đầu cuốn sách, sau khi điểm qua cuộc đời-sự nghiệp và tác phẩm của Phan Quang, viết: “Kẻ hậu sinh đồng hương Quảng Trị là tôi càng bồi hồi, xúc động và không khỏi bất ngờ khi lần đọc lại những trang ghi chép và nhật ký mà ông gọi là những mẫu sống nguyên thô của “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” được công bố khi tác giả sắp bước vào tuổi 90!
Cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn tới bờ Hồ Gươm” của nhà báo Phan Quang. |
Cùng tuổi Thìn như nhà báo Phan Quang, kẻ hậu sinh là tôi kém ông những hai con giáp, có cái may là được ông coi là đồng nghiệp. Khi được ông trân trọng gửi tặng cuốn sách, cũng bồi hồi và xúc động và muốn san sẻ những cảm xúc của mình sau khi đọc xong cuốn sách, với các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn, đã và đang làm nghề, hay mới chập chững bước vào những năm đầu tiên của nghề làm báo.
Những ghi chép chắt lọc suốt 70 năm của nhà báo Phan Quang
Ông tâm sự: “Tôi thường dùng ba loại sổ, trước hết là cuốn sổ ghi chép công việc hàng ngày, hai là loại sổ tay thu thập tư liệu viết báo, viết văn: mẫu người, mảnh đời, sinh hoạt, phong cảnh, cảm xúc, số liệu…ba là nhật ký tâm tình, những cảm nhận văn chương, suy ngẫm non dại về buồn vui chuyện đời, triết lý vặt… tiện đâu ghi đấy… Cách đây 15 năm, tôi chọn lọc, sắp xếp lại, chỉ giữ những gì may ra có thể có ích, bắt đầu từ cuối năm 1949 ở mặt trận Bình Trị Thiên và kết thúc với cái Tết hoà bình đầu tiên tại Hà Nội, gọi chung là “bút ký”… Dù vậy vẫn dài, tới hơn nửa triệu từ. Năm nay (2016) tôi lại cắt bỏ, chỉ giữ lại một phần”.
Nhà báo Phan Quang, tác giả cuốn sách. |
Một hôm đêm mệt đi nằm sớm. Tỉnh dậy nghe có tiếng ghi ta bập bùng dịu dàng ra phết, nhìn ra ngoài thấy ánh trăng non… Trong bóng tối có tiếng chuyện trò lầm rầm, rồi tiếng ghi ta cất lên, khi nhanh khi chậm… Ông Văn Ký nhờ bậc đàn anh là ông tác giả “Đêm đông” (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương) bày thêm cho mấy ngón trò nhấn nhá… Trong một góc sân không có ánh đèn, Chế Lan Viên cúi đầu nghe, mái tóc bù xù xõa xuống trán… Càng nhớ hôm tôi đang lụi cụi làm tin chợt nghe tiếng Nguyễn Văn Thương gọi giật: “Diêu! Toa nghe đây” Hướng về Nam… Ai từng qua sông Hương từng nương Thiên Mụ từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nong…”. Ông đang làm lời cho bài “Bình Trị Thiên khói lửa”, làm gấp cho xong để anh Hải Triều sắp lên Việt Bắc họp mang lên cho các bạn văn nghệ ngoài Trung ương…
Bức tranh thật sinh động, phải không các bạn? Chính ở tuổi 20, Phan Quang đã sớm bộc lộ một cách quan sát tinh tế, một cái nhìn rất “văn” về cảnh và người. Trong chúng ta, ai đã từng ghi nhật ký, đều có những lúc phải phóng bút để mặc cho dòng cảm xúc trào tuôn. Nhưng cũng có những lúc chỉ là những chấm phá, để khỏi quên, để sau này từ đó mà phát triển…
Cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn tới bờ Hồ Gươm” là tập hợp những ghi chép của nhà báo Phan Quang về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp với cái nhìn chân thực, sống động, có cái chung và xen lẫn cả cái riêng. |
Liệu có ai phê phán tác giả “thi vị hoá cuộc kháng chiến”? Nhật ký là vậy. Nhật ký của một người làm văn nghệ thì phải thế. Phải biết nhìn ra đâu là mạch chủ đạo của cảm xúc của mình. Trong nhật ký, Phan Quang có những câu ghi bằng tiếng Pháp. Vì sao? Vì không phải không có những người không cảm thông với mấy ông văn nghệ sĩ. Tác giả cũng nhiều lần tự dằn vặt về cá tính của mình, một cá tính dễ bị quy chụp trong hoàn cảnh chiến đấu lúc bấy giờ. Nhưng cái dằn vặt lớn hơn, lặp đi lặp lại, chính là sự băn khoăn làm sao viết được tốt hơn, sống được tốt hơn? Cái băn khoăn nghề nghiệp ấy,còn đeo bám những người cầm bút chân chính suốt đời.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua trong câu chuyện của nhà báo Phan Quang từ đầu nguồn Thạch Hãn tới bờ sông Hồng. Tôi thích dùng như vậy dù Phan Quang chọn “bờ Hồ Gươm” có trụ sở báo Nhân Dân nơi ông làm việc lâu nhất. Sông Cái, sông Nhị, sông Hồng, cũng là nơi sinh của cả một vùng châu thổ rộng lớn mà Phan Quang gắn bó từ 1954 đến nay.
Nhà báo Phan Quang: “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”
Tôi đặt tên cho bài viết của mình là “Khi ta 20 tuổi”. Vâng, khi ấy nhà báo Phan Quang đang ở tuổi 20. Các bạn trẻ, các nhà báo trẻ đang ở tuổi 20 nên đọc những trang sách này. Khi ta 20 tuổi, ta nghĩ điều gì ta cũng có thể vượt qua, điều gì ta cũng có thể làm được. Khi ta 20 tuổi, hãy viết, hãy yêu, hãy sống. “Đời người chỉ sống có một lần”, ta hãy sống sao cho khỏi sống hòai sống phí. Hãy sống có ích cho mình và cho đời. Để dù có đi từ bờ bến nào, chúng ta cũng sẽ cập bến đời./.