Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Đài TNVN phát sóng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946-19/12/2016), sáng 19/12, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã tổ chức lễ giới thiệu cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” của nhà báo Phan Quang, Nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN.

Tới dự có nguyên Tổng Bí thư - Lê Khả Phiêu; Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt.

phan_quang_vov_26__fltw.jpg
Nguyên Tổng Bí thư - Lê Khả Phiêu (bên trái); Nhà báo Phan Quang, Nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN (giữa); Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung (ngoài cùng bên phải); nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến (thứ hai từ phải sang).

Phía Đài TNVN có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung; nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Đăng Tiến; các đồng chí Phó Tổng Giám đốc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN và Lãnh đạo các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham dự của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học; các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Sau lễ kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và cũng là 70 năm ngày Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên làn sóng của Đài, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ đã giới thiệu tới các đại biểu cuốn sách “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” của nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi lễ.
“Những trang viết sống động, chân thực được chắt lọc từ những ghi chép của nhà báo Phan Quang chắc chắn sẽ giúp cho chúng ta hiểu hơn về những năm tháng kháng chiến, kiến quốc hào hùng, đau thương nhưng cũng thật đẹp, nhiều ý nghĩa. Đó cũng là cách chúng ta trân trọng quá khứ vẻ vang, học tập các nhà báo, nhà văn thế hệ đi trước cho thực hiện nhiệm vụ vẻ vang hôm nay” - Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ nói.

Tác giả cuốn sách - nhà báo Phan Quang chia sẻ: “Cuốn “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” không phải là sáng tác văn học, cũng không hẳn là một bút ký được chuẩn bị từ đầu, chỉ là bản ghi chép vội, rút từ sổ tay nhật ký phóng viên ghi lại bất kỳ ở đâu và không kể khi nào… Về không gian, những ghi chép của tôi khởi đầu tại chiến khu Ba Lòng – thượng nguồn sông Thạch Hãn, qua nội thành Huế, từ cửa Tư Hiền, cửa Thuận Nam, cửa Việt, cửa Tùng, Vĩnh Linh và kết thúc bên bờ Hồ Gươm giữa Thủ đô thanh bình”.

Nhà báo Phan Quang, Nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
“Vinh hạnh lớn của cuộc đời tôi, một trong số các cựu cán bộ nhà Đài được làm báo liên tục từ tuổi 20 cho đến nay. Qua cây bút và trang giấy, tôi mong muốn góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp vĩ đại của đất nước, không phải là chứng nhân mà là một người trong cuộc ít nhiều ý thức được trách nhiệm xã hội là sứ mệnh cao cả của người làm văn, làm báo.

Những dòng nghi chép trong cuốn sách giới thiệu hôm nay là một phần nhỏ trong suốt 70 năm qua mà tôi không hề có ý định công bố, coi như đây là “một mảnh tình riêng ta với ta”. Vậy mà hôm nay, đúng vào ngày trọng đại kỷ niệm 70 năm Hồ Chí Minh phát động lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cuốn “Từ dòng Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” vinh dự được trình lên các vị lãnh đạo, các đồng nghiệp và độc giả trong cả nước trước khi phát hành rộng rãi, còn có phần thưởng nào cao quý hơn cho một cuộc đời làm báo” – nhà văn Phan Quang bày tỏ.

Bức ảnh nhà báo, nhà văn Phan Quang chụp cùng bạn bè ở cuối cuốn sách.
Cuốn “Từ bờ Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm" chấm hết với tấm hình tác giả chụp với người bạn văn nghệ sĩ kháng chiến trước cầu Thê Húc đền Ngọc Sơn và dòng ghi vội: “Hôm nay, Nguyên Đán năm Ất Mùi. Trời bỗng dưng hửng nắng. Thiếu cái rét dịu và mưa lâm thâm quen thuộc của ngày Tết nhưng lại được cái ấm nắng hiền hòa đầu Xuân. Quanh Bờ Hồ, cạnh đền Ngọc Sơn, bao nhiêu người chụp ảnh giúp nhau. Màu sắc. Có thể nói, sáng hôm nay, tất cả những gì đẹp nhất Hà Nội có đều phô ra ngoài đường phố. Mấy anh em chúng tôi diện bộ quần áo đẹp nhất vào, rồi kéo nhau ra phố, hòa vào cuộc sống…”.

Đến dự buổi lễ, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết: "Hôm nay tôi rất vui khi nhà văn, nhà báo Phan Quang đã ra mắt cuốn sách này. Qua đây tôi cũng muốn chúc mừng Đài Tiếng nói việt Nam, chúc mừng nhà văn, nhà báo Phan Quang".

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhà báo, nhà văn Phan Quang chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ ra mắt.

Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình Giáo sư Phong Lê cho biết, “Nghĩ đến nhà báo, nhà văn Phan Quang, tôi không nghĩ anh chỉ là nhà báo đâu. Đối với tôi trong anh tổng hợp nhà báo, nhà văn, và cao hơn là nhà văn hóa.

Hôm nay, tôi không muốn góp ý đến cuốn sách này vì mình chưa đọc. Nhưng khi nhìn quyển sách, nhìn cái bút ký thì đúng là sở trường của nhà báo, nhà văn Phan Quang. Nhưng nếu để khơi gợi sự tò mò, tôi muốn đây sẽ là cuốn nhật ký hoặc hồi ký thì thật tuyệt vời”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. 
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Tôi thấy nhà văn, nhà báo Phan Quang là một nhà văn hóa tiêu biểu của cách mạng và kháng chiến... ý thức về văn hóa dân tộc rất sâu sắc. Vì là một nhà văn hóa trí thức tiêu biểu nên nhà văn, nhà báo Phan Quang có thể viết bất cứ đề tài gì cũng hấp dẫn, sâu sắc, rất nhiều gửi gắm và đặc biệt là tính mẫu mực trong văn chương, giàu ý tưởng".

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ: “Tôi thật sự vừa kính trọng vừa cảm phục khi nhà báo, nhà văn Phan Quang cho xuất bản cuốn sách này. Tôi nghĩ đây là một quyển sách  rất quý.

Tại sao từ 70 năm trước mà nhà báo, nhà văn Phan Quang có thể ghi chép, quan sát một cách tỉ mỉ như vậy? Để bây giờ thành một quyển sách như vậy đưa đến độc giả. Cuốn sách gợi lên phẩm chất của một nhà báo, trước hết là thái độ nghiêm túc và hơn nữa là sự dấn thân, tinh thần yêu nước, làm việc hết lòng với những nhiệm vụ mà đảng và nhà nước giao cho”./.