LTS: Nhà xuất bản Lao Động (Hà Nội) vừa cho ra mắt bạn đọc tập sách “Cỏ lau Thành cổ” của nhà báo Phan Quang. Điều đặc biệt trong cuốn sách mới nhất này, Phan Quang đã đưa vào một tác phẩm của một bạn văn tuổi đã cao: Nguyễn Chí Trung.

Tên gọi “Cỏ lau Thành Cổ”, nhưng bài viết này lại để sau cùng, như một cái kết của cuốn sách dày gần 250 trang (khổ 14,5x20,5). Mở đầu là câu chuyện của chàng trai Phan Quang Diêu (tên thật của Phan Quang) đã gặp “trời thu Hà Nội” ra sao? Ngày 10/10/1954, từ vùng tự do Liên khu 4, ông về đến Hà Nội, làm phóng viên báo Nhân Dân. Và từ đó gắn bó cuộc đời mình với đất Thăng Long - Hà Nội.

60 năm, tròn một hoa giáp của đời người, ông viết “Tôi bỗng gặp trời thu Hà Nội” như một lời tri ân quê hương thứ hai của ông. Viết về những đổi thay của con người và cảnh vật Hà Nội 60 năm qua, ông tự vấn mình “đã mang cái quê mùa của mình pha loãng tới mức nào cái hào hoa của người Hà Nội? Ta đã đóng góp được gì vào việc bảo tồn, phát triển Thủ đô yêu quý?”.

img_7709_zewi.jpg

Nhấp một ngụm chè sen Tây Hồ ủ từ bông sen đầm Quảng Bá, ông tâm sự: “Đừng mãi chê bai những điều chưa ưng ý trong cuộc sống thường ngày mà lãng quên cái lớn, cái đẹp, cái hay trong hồn Hà Nội. Cứ tha hồ lưu luyến cái gốc gác của anh đi, nhưng phải thật lòng góp chút gì đó cùng giữ gìn, phát huy cốt cách, tinh hoa Hà Nội cũng là cốt cách tinh hoa văn hóa Việt Nam”.

Cùng tiếp mạch văn này là “Thiêng liêng những mốc thời gian” và “Tháng 9 năm ấy Bác Hồ đi xa”. Cùng viết về nững mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc thế kỷ 20, nhưng Phan Quang có cách tiếp cận khác: Chuyện trò cùng đồng nghiệp. Gặp nữ nhà báo Fabienne Sintes (Đài phát thanh quốc gia Pháp) khi nhà báo này vừa từ Điện Biên Phủ trở về trong dịp kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, ông bộc bạch “tất cả những người Việt Nam thế hệ tôi ai cũng tự cho mình ít nhiều là chiến sĩ Điện Biên. Cả những người sinh ra sau ngày hòa bình lập lại, ai cũng tự hào lịch sử dân tộc mình có ba tiếng “Điện Biên Phủ”.

Từ những trao đổi nhỏ, Phan Quang đã khái quát tầm vóc to lớn của chiến thắng lịch sử này, giới thiệu với bạn đọc hôm nay chân dung một số nhân vật lịch sử đương thời có liên quan đến ba tiếng “Điện Biên Phủ”, đặc biệt là nhà báo - nhà sử học Bernard Fall,người đã gắn bó cả cuộc đời mình với  hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ông sẽ trở lại với nhà báo lớn này trong bài “Như có hẹn hò với định mệnh” (trang 157), nói kỹ hơn về Bernard Fall cũng như  cái chết của ông do dẫm phải mìn trong một cuộc đi cùng một đơn vị lính thủy Mỹ ở phía Nam vĩ tuyến 17. Bạn đọc có thể tìm thấy những chi tiết đắt giá về lịch sử hai cuộc chiến tranh qua cái nhìn của 2 nhà báo Bernard Fall và Phan Quang trong những trang sách này, cũng như những trang sách mà Phan Quang dành cho “nhà báo Australia Wilfred Burchett”, nhà văn - nhà báo người Bỉ Jacques Danois (1927-2008) tác giả cuốn” La Terre Gourmande” được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Trở lại với đời”, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Chế Lan Viên.

Về Jacques Danois, Phan Quang cho biết: Trong tác phẩm “Trở lại với đời”, ông đã dành cả lòng kính trọng và thán phục của mình cho những người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, đã rời gia đình êm ấm, giã từ quê hương yên bình sang dải đất rừng này giúp bạn. Như một cơ duyên, nhà báo - nhà văn Phan Quang đã được Jacques Danois gửi cho cuốn sách của mình, đồng ý để ông dịch ra tiếng Việt với lý do thật bạn bè “Không có bản tiếng Việt, làm sao những người bạn của tôi ở Việt Nam có thể đọc”.

Trong tập “Cỏ lau Thành cổ” này, Phan Quang đã dành đến 3 phần để nói về Jacques Danois: giới thiệu cuốn tiểu thuyết thời sự “Trở lại với đời” (in lần đầu năm 1985), phần Phụ lục nói về tác giả, và một phần trang trọng ông dành in bài viết của nhà văn quân đội Nguyễn Chí Trung - người nhiều năm gắn bó với Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Chọn tên bài “Lời khóc từ lúc đọc những trang đầu” để viết lời bạt cho lần tái bản thứ hai cuốn tiểu thuyết, cũng là ngày giỗ lần thứ 6 của ông (20/9/1014), Nguyễn Chí Trung đã viết những dòng về Jacques Danois đầy đủ, súc tích và văn chương đến độ chỉ có thể in lại toàn văn trong tập sách này.

Cũng trong tập sách, có tới hai bài nói về Chế Lan Viên, đồng hương Quảng Trị của Phan Quang, cũng là người mà tác giả may mắn được dự lễ “kết nạp Đảng trên quê mẹ” của ông. “Tiếng lòng Viên Tĩnh” và “Chế Lan Viên và Mẹ” là những hồi ức về Chế Lan Viên và sự nghiệp văn thơ của ông, cũng như hai tiếng “giác ngộ” mà tác giả “Điêu tàn” đã  đạt được, để từ đó gắn bó cuộc đời mình với dân tộc, với Đảng. Người làm Văn học sử, những nhà báo trẻ có thể tìm thấy rất nhiều điều hữu dụng cho công việc của mình qua những trang hồi ức này. Cũng như những trang sau đó Phan Quang viết về Tô Hoài, về NSND - đạo diễn Bạch Diệp, về nhà báo-nhà văn - tác gia sân khấu Hoàng Yến, và một vị tướng yêu văn nghệ: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

“Xanh mãi kỷ niệm tuổi xanh” là tên một bài viết trong tập sách này. Và những kỷ niệm tuổi xanh ngày nào  nhà báo trẻ Phan Quang Diêu lăn lộn cùng bộ đội ở phân khu Bình Trị Thiên với bài báo đầu tay “Tết ở đại đội 150” cứ thế mà tuôn trào, mà đưa đẩy trên những trang viết, “bắt” một người tuổi đã ngoài 80 ngày đêm cặm cụi trên những cuốn sổ ghi chép giấy đã ố vàng, hay lướt trên bàn phím máy tính đọc và ghi chép, ghi chép và đọc. Dường như vẫn chưa đủ đầy, vẫn chưa trọn vẹn những gì ông nhận được từ gia đình, từ các đấng sinh thành, từ bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, từ cuộc đời. “Những kỷ niệm nhập vào lòng tôi thời trẻ đương nhiên sâu sắc hơn nhiều những gì được viết ra”. Ông đã phải thốt lên như vậy trong cuốn sách này.

Nhưng dù sao thì tấm lòng của chàng trai Quảng Trị với nơi “chôn nhau cắt rốn”, với Hà Nội, nơi ông đã sống tròn 60 năm, vẫn được bạn đọc hôm nay thấu hiểu, đồng cảm. Với tôi, kẻ được đọc “Cỏ lau Thành cổ” ở dạng bản thảo đầu tiên, cùng ảnh chụp nhà báo Phan Quang với mái  đầu bạc phơ thắp hương nơi Thành cổ, cũng đã rưng rưng nước mắt khi đọc những dòng ông viết: “Một tấm thân già bơ thờ tóc bạc” như kẻ đang ngồi đây giữa cỏ lau Thành cổ  hoài niệm tuổi ấu thơ, còn biết ngẫm ngợi gì khác ngoài những ý tưởng của các bậc cao minh. Tự đáy lòng, tôi suy ngẫm: Những anh hùng liệt sĩ vong linh đời đời thơm tỏa trong khói hương trầm không tắt của mọi thế hệ người Việt trên Tượng đài trước mặt - cúi lạy các anh hùng liệt sĩ xá tội cho - giả thử các Anh còn trên đời này, tính về tuổi tác nếu không xấp xỉ thì thuộc hàng em, hàng cháu lứa già nua chúng tôi đang còn sống ở đây, vậy mà trong tâm khảm mọi người già cũng như trẻ, trong con tim của mọi thế hệ, các ngài với lòng yêu nước đều là những bậc tiền bối đời đời linh hiển.

Dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày đất nước thống nhất, nhà báo Phan Quang đã lên kế hoạch để về Quảng Trị, về thăm lại dấu tích ngôi làng và ngôi nhà xưa, nơi Đức vua Hàm Nghi trên đường xuất bôn chống Pháp nghỉ lại, cũng như thăm Thành cổ Quảng Trị và đi dọc “con đường không vui” nơi Bernard Fall ngã xuống.

Việc chưa thành. Chúc ông có dịp trở lại mảnh đất lau trắng kia, “tận hưởng một khoảnh khắc yên bình giữa nhịp sống xô bồ mà suy ngẫm về cuộc đời, mà tận hưởng ngọn gió chiều quê không ngừng cợt đùa mớ tóc hoa lau, như thể gió cũng như người cũng như lau cỏ đều ngập tràn dưới ân đức tiền nhân”./.