Từ bao đời nay, thành thông lệ, năm hết Tết đến, vào khoảng ngày 15 đến 20 trước Tết, đồng bào dân tộc Thái trắng Quỳnh Nhai lại  rủ nhau vào rừng lấy củi, cắt lá dong rừng để gói bánh chưng. Dọn dẹp, trang trí xong nhà cửa, đến ngày 30 Tết, mọi người không kể nam, nữ đều chủ động mang chậu nước vo gạo, nước cây so se ra bến nước ven Sông Đà để gội đầu đón năm mới. Nếu ai bận rộn chưa kịp về gội đầu thì cảm thấy mình chưa được gột rửa những ốm đau, bệnh tật, chưa may mắn của năm cũ. Nên cho dù đi đâu, về đâu, bà con cũng không quên trở về để thực hiện nghi thức này.

Gội đầu năm mới xong, mọi người cùng nhau uống rượu, hát múa ngay tại bến nước. Sau đó, những người đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ trở về nhà để lau dọn bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị bày mâm cúng ngày Tết. Mỗi một dòng họ, như họ Điêu Văn, Điêu Chính, họ Cầm Bạc… sẽ cúng Tết vào các ngày khác nhau trong mấy ngày Tết. Mâm cúng không thể thiếu thủ lợn, nên khi lợn đã luộc chín, bà con sẽ cắt lấy phần thủ, phần đùi, chân để bày lên mâm cúng. Thường thì khoảng 22-23h trước giao thừa thì chủ nhà sẽ tự cúng. 

“Một năm 12 tháng, một tháng 30 ngày, Tết là Tết của toàn dân tộc. Năm hết Tết đến, sau một năm làm ăn vất vả, con cháu dâng lên tổ tiên nào là lợn, gà nướng, cá hun khói, mía ngọt, chuối thơm... mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu trong nhà, cầu mong phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, trâu bò đầy đàn, thóc lúa đầy bồ.. ”- Ông Điêu Văn Minh, người am hiểu về văn hoá Thái ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết đại ý lời cúng Tết.

Cúng xong, gia chủ sẽ mời gọi tất cả con cháu, dâu rể trong gia đình về quỳ lậy trước bàn thờ tổ tiên. Riêng chủ nhà sẽ nằm lại trông mâm cúng thâu đêm. Sáng hôm sau, vào mùng 1 Tết, gia chủ sẽ tiếp tục cầu khấn, rồi cho con cháu, dâu rể trong nhà quỳ lậy lần nữa, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên lần nữa; đồng thời xin phép được dọn mâm cúng ra chế biến. Nấu nướng xong xuôi, mời tất cả họ hàng thân thích nội ngoại bản trên, mường dưới cùng đến chung vui bữa cơm trưa thân mật ngày mồng một Tết. Ai có nhạc cụ dân tộc như tính tẩu, sáo, nhị thì đều mang đến để vừa ăn uống, chúc tụng nhau, vừa đàn hát cho nhau nghe rất vui nhộn. Tuy nhiên, vào ngày mồng một Tết, người Thái trắng Quỳnh Nhai cũng có những kiêng kỵ nhất định. 

Ông Điêu Văn Minh cho biết thêm: “Người Thái trắng chúng tôi có một số kiêng kỵ trong mồng một Tết, như kiêng không cho người lạ, kể cả người trong bản lên xông nhà. Nhất là kiêng những người bỏ vợ, bỏ chồng, goá vợ, goá chồng, phụ nữ đang mang thai xông nhà, cho nên chủ nhà thường sẽ đóng cửa kín, cho đến khoảng 15-16h mới mở cửa. Tiền nong cũng không cho ra khỏi nhà; kiêng cả việc quét nhà, nếu có rác rưởi cũng chỉ dùng tay nhặt nhạnh gọn lại mà thôi”.

Từ mồng một Tết trở đi, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã khắp các bản trên mường dưới, cùng với các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy… Bà con đi thăm thân, chúc Tết nhau hân hoan, phấn khởi. Đặc biệt, người Thái trắng khi hát không thể thiếu nhạc cụ dân tộc với những điệu hát đặc trưng như hát Then, hát xao xên, hát long Te (tức hát dọc ven Sông Đà của các đôi bạn tình người đứng trên bờ, người nhặt rêu dưới sông…). Các điệu hát này đều phải có người đánh đàn tính tẩu, thổi sáo (pí pặp) đệm cho. Họ sẽ tụ họp, hát cho nhau nghe, từ tốn hát đối đáp, ca ngợi lẫn nhau; hát mừng Đảng, mừng xuân, bản mường đổi mới….cho đến trưa muộn, thậm chí thâu đêm suốt sáng mà không hề thấy mệt mỏi.

Từ bao đời nay, phong tục đón Tết được đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai gìn giữ, trở thành nét văn hóa đặc sắc và góp phần xây đắp thêm tình đoàn kết làng bản.

Năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng phong tục đón Tết của đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai vẫn được duy trì, nhưng chỉ gói gọn trong quy mô nhỏ, trong từng gia đình, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, đảm bảo vừa đón Tết đầm ấm, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả./.