Cứ 2 năm một lần, việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT) lại được tiến hành, song lần nào cũng xuất hiện những luồng dư luận khác nhau. Không ít ý kiến băn khoăn rằng việc bình chọn những danh hiệu này có khách quan, đánh giá đúng tài năng, sự cống hiến của nghệ sĩ.

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xét tặng các danh hiệu, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Một trong những thay đổi quan trọng là nghệ sĩ không đủ giải thưởng vẫn có thể được xét trao tặng danh hiệu NSND.

Theo quy định trước đây, các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND phải là người đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau đó. Còn theo Nghị định 40, những cá nhân được xét tặng danh hiệu NSND phải được trao tặng danh hiệu NSƯT trước đó, đồng thời đáp ứng các điều kiện sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó 1 giải cá nhân; nếu không có giải cá nhân thì phải có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia.

Tuy nhiên, nghệ sĩ không đủ giải thưởng vẫn có thể được xét trao tặng danh hiệu NSND nếu: Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, cao tuổi, thực hiện nhiệm vụ chính trị, là giảng viên các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt. Những trường hợp này sẽ được trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), đây là vấn đề liên quan đến nhiều trường hợp đã tạo dư luận trái chiều trước đây. Một số gương mặt nghệ sĩ tài năng được công chúng mến mộ nhưng lại thiếu các tiêu chí về giải thưởng được quy định tại Nghị định 89 nên không được xét tặng, gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ.

“Quy định về những trường hợp đặc biệt nêu trên là cần thiết nhằm tôn vinh những nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà nhưng vì nhiều lý do nên không có đủ các giải thưởng theo quy định. Tuy nhiên, những trường hợp đặc biệt này vẫn phải qua 4 cấp Hội đồng và cuối cùng là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để tôn vinh đúng, trúng và không bỏ sót tài năng có nhiều cống hiến, đòi hỏi các cơ sở phải luôn luôn chủ động và sát thực tế”, ông Phùng Huy Cẩn nói.

Ngoài ra, Nghị định mới cũng có thêm một thay đổi quan trọng là cách tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp của các nghệ sĩ. Theo quy định cũ, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm tốt nghiệp trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở.

Nghị định mới có thêm một cách tính khác, đó là thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân được tính từ khi tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở; hoặc cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSƯT có yêu cầu thấp hơn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp (từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình xiếc và múa là từ 10 năm).

Theo ông Phùng Huy Cẩn, sự sửa đổi, bổ sung này là nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tế. “Khi áp dụng quy định tại Nghị định 89, chúng ta đã lắng nghe và ghi nhận nỗi lo vì không bằng cấp đối với trường hợp các nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù là truyền nghề. Nếu xét bắt buộc phải học từ trường đào tạo chuyên nghiệp thì sẽ rất thiệt thòi cho những cá nhân này”, ông Cẩn cho biết.

Nghị định sẽ có hiệu lực chính thức vào ngày 15/5/2021. Ngay sau đó, Bộ VHTTDL sẽ ban hành Kế hoạch đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10./.