Vừa qua, hồ sơ cụm tác phẩm đăng ký xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật lĩnh vực Điện ảnh năm 2021 của NSND Đào Trọng Khánh và NSND Trần Văn Thủy không đạt đủ 80 % số phiếu của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Điều đó đồng nghĩa hồ sơ không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật theo theo quy định tại khoản 11 điều 1 Nghị định số 133/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụm tác phẩm phim tài liệu của NSNS Trần Văn Thủy bao gồm: “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” và “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”. Cụm tác phẩm của NSND Đào Trọng Khánh bao gồm: “Một thế kỷ - một đời người”, “Giọt nước giữa đại dương”.
Trong số các tác phẩm này, “Chuyện tử tế” được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của NSND Trần Văn Thủy. Tác phẩm được sản xuất năm 1985 nhưng cho tới năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Được coi là phần 2 của bộ phim tài liệu gây tiếng vang “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế" tiếp tục là một tác phẩm phản ánh những suy nghĩ của Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời bao cấp. Tác phẩm sau đó đã giành giải Bồ câu Bạc Liên hoan phim quốc tế Leipzig 1985, được báo chí nước ngoài gọi là “quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig”.
Việc NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh khiến nhiều người tiếc nuối.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương cho biết: “Cá nhân tôi cảm thấy tiếc nuối, bởi lẽ NSND Đào Trọng Khánh và NSDN Trần Văn Thủy là những nhà làm phim tài liệu thành danh thuộc thế hệ vàng của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Có thể nói, sự nghiệp điện ảnh của 2 nghệ sĩ khá đồ sộ. Nhiều tác phẩm của 2 nghệ sĩ mang giá trị lịch sử, phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn tới công chúng. Đông đảo công chúng biết đến phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” của NSND Trần Văn Thủy bởi cách tiếp cận táo bạo, chạm vào những vấn đề đầy gai góc của thực tại, nhưng đầy ắp tính nhân văn, mang hơi thở của thời đại. Còn nữa “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” mang đập phong cách rất riêng đã làm nên tên tuổi của NSND Trần Văn Thủy.
NSND Đào Trọng Khánh đã đem đến một sinh khí mới cho thể loại phim tài liệu vốn được coi là khô khan. Phim tài liệu chính luận của ông về những đề tài vô cùng khó được ông thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh tài liệu một cách uyển chuyển đã chinh phục khán giả như các tác phẩm “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Một thế kỷ - một đời người”, “Giọt nước giữa đại dương””.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh đã có những đóng góp to lớn với điện ảnh tài liệu Việt Nam. Điều này đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. “Cá tôi và những đồng nghiệp tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương luôn ngưỡng mộ và trân trọng những đóng góp của 2 cây đại thụ của điện ảnh tài liệu Việt Nam.
Về việc xem xét hồ sơ của 2 nghệ sỹ, trong công văn của Bộ VHTT&DL ghi rõ Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước “đã họp, xem xét thảo luận từng hồ sơ trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập, dân chủ của từng thành viên và tiến hành bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, công bố kết quả ngay tại phiên họp Hội đồng…”. Tôi luôn tin tưởng vào cách làm việc công tâm của Hội đồng. Tuy nhiên, về mặt tình cảm không tránh được cảm giác nuối tiếc, hụt hẫng”, ông Tuấn chia sẻ.
Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh cùng trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo ông Tùng, cả NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh đều là những “cây đa cây đề” của làng điện ảnh tài liệu, cũng như của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương. Và các bộ phim dự xét Giải thưởng Hồ Chí Minh của 2 nghệ sĩ đều là tác phẩm có giá trị.
Ông Trịnh Quang Tùng cho rằng, riêng 2 bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” đều là những bộ phim đánh dấu một thời kỳ lịch sử của hãng, đồng thời đó cũng là tác phẩm tạo tiếng vang. Những bộ phim đó không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn cả tính thời sự, thậm chí đến bây giờ nó vẫn còn tính thời sự./.