Múa gậy sênh tiền (hay múa tsưx tsiêk) là điệu múa không thể thiếu trong những dịp lễ Tết, ngày hội của đồng bào Mông. Đạo cụ chính trong điệu múa gậy sênh tiền của đồng bào Mông chính là cây gậy. Gậy sênh tiền được làm bằng một đoạn trúc hoặc tre có độ dài từ 1m đến 1,2m, có 3 khấu được đục lỗ để xâu các đồng xu vào, khấu còn lại ở khúc gậy thứ hai, không đục lỗ để người múa cầm khi múa. Trong mỗi phần đục lỗ lại chia làm 3-4 dãy đồng xu, mỗi dãy xâu 2-3 đồng với nhau. Ở hai đầu gậy được buộc thêm túm chỉ sắc màu sặc sỡ để tạo nên sự mềm mại, bắt mắt hơn khi múa gậy sênh tiền.
Gậy sênh tiền khi nhìn thì trông rất đơn giản, nhưng để làm ra được một cây gậy đòi hỏi người làm phải thật sự khéo léo, tỉ mỉ. "Điệu múa gậy sênh tiền là điệu múa độc đáo của người Mông, có từ rất lâu đời cùng với khèn Mông. Gậy sênh tiền là một trong bộ 18 binh khí gồm chùy, khèn, gậy sênh tiền, đao, kiếm... Những động tác múa như xoay người, đá chân...tiềm ẩn những thế võ cổ truyền của người Mông, gậy được xem như là một binh khí dùng để đánh đuổi giặc cướp nước”- anh Giàng A Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khèn Mông Bắc Hà (Lào Cai), một người rất am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc Mông nói.
Ngày xưa, múa gậy sênh tiền có một bài chung bao gồm cả bộ 18 binh khí nên khi múa bắt buộc phải có đủ 18 người, người cầm gậy, người cầm côn, người cầm đao, kiếm, chùy... kết hợp múa nhịp nhàng, uyển chuyển người múa trước người đánh sau vừa múa vừa di chuyển. Điệu múa chỉ thường dùng trong những nghi lễ lớn của bà con.
Ngày nay, điệu múa gậy sênh tiền chỉ còn được tái hiện lại và không còn đầy đủ nữa trong những nghi lễ của người Mông. Khi có người mất họ sẽ chỉ cầm nỏ, cầm gậy sênh tiền, khèn... đi vòng quanh nhà, nếu là phụ nữ sẽ đi 7 vòng xuôi, 7 vòng ngược, là đàn ông thì đi 9 vòng và ngược lại. Điệu múa sênh tiền còn được cải biên sao cho phù hợp hơn để biểu diễn trong những ngày lễ hội, trong các hội diễn văn nghệ… tuy nhiên vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có của điệu múa truyền thống. Múa gậy sênh tiền có rất nhiều bài khác nhau, là do người múa tự biên tập, nhưng tất cả các bài múa đều bắt đầu từ 11 nhịp cơ bản mà phát triển thành bài múa hoàn chỉnh và độc đáo riêng. Ngoài ra, để múa gậy sênh tiền thêm sôi động, bà con còn múa kết hợp với một số nhạc cụ khác như trống, chiêng...
"Chú của em dạy em múa. Lúc đầu chú dạy em 11 nhịp cơ bản, ngoài ra em tự tìm hiểu thêm trên mạng, học thêm các động tác mới rồi tự biên tập được một bài múa hoàn chỉnh để dạy mọi người trong đội cùng học và đi biểu diễn. Ban đầu là múa ở các hội chợ, ngày lễ, sau này thành lập Câu lạc bộ khèn Bắc Hà, em đã đưa đội múa gia nhập vào Câu lạc bộ để cùng hoạt động”- em Vàng Thị Dống, đã học và đi biểu diễn múa gậy sênh tiền ở rất nhiều nơi hơn 10 năm này, gần đây nhất là mang điệu múa đến tham dự "Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III” được tổ chức tại tỉnh Lai Châu tự hào cho biết.
Cùng với điệu múa khèn Mông đã rất đỗi quen thuộc, múa gậy sênh tiền cũng là một điệu múa cổ của đồng bào Mông, đã và đang được bà con gìn giữ và phát huy. Tại Lào Cai, nhiều câu lạc bộ được thành lập nhằm giúp bà con có nơi sinh hoạt, tìm hiểu và gìn giữ văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Điển hình như Câu lạc bộ Khèn Mông Bắc Hà mà anh Giàng A Hải đứng ra thành lập.
“Câu lạc bộ có tên là Câu lạc bộ Khèn Mông nhưng đến với CLB thì có rất nhiều nét văn hóa được chúng tôi lưu giữ và phát huy như múa gậy sênh tiền, hát dân ca Mông, múa khèn. Tại các trường học ở Bắc Hà, Si Ma Cai chúng tôi còn tranh thủ thời gian các em học sinh giải lao để dạy các em từ 3 - 5 tuổi múa gậy sênh tiền, đến khi học hết lớp 5 các em đã biết múa thành thạo, khi học cấp 2, cấp 3 các em đã có thể đi biểu diễn ở nhiều nơi”- anh Giàng A Hải chia sẻ.
Đến các bản làng đồng bào Mông vào dịp Tết đến xuân về, âm thanh dìu dặt của khèn Mông và sự rộn ràng của múa gậy sênh tiền hòa cùng những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của đồng bào như mang lại không khí mùa xuân mới thật đầm ấm, tươi vui, gắn tình đoàn kết nơi bản làng vùng cao,./.