Pa Pao là trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Mông. Đây là trò chơi có từ lâu đời, được đồng bào truyền lại qua nhiều thế hệ và là trò chơi không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Quả pa pao thể hiện sự cần cù và khéo léo của phụ nữ Mông. Bởi pa pao được chính tay các bà, các me, và các cô gái Mông tự tay khâu nối các miếng vải lanh lại rất cẩn thận, tỉ mỉ thành một trái tròn, to bằng quả cam. Sau đó, nhồi hạt lanh vào bên trong, cuộn các miếng vải lại với nhau, rồi dùng kim chỉ khâu chặt lớp vải bọc bên ngoài thành trái pao căng tròn, nhưng không được quá cứng hoặc quá mềm.
"Để làm quả pa pao, bên trong em nhồi các hạt lanh, rồi lấy những miếng vải cũ cuộn chặt lại thành trái tròn, còn bên ngoài thì lấy một miếng vải mới bọc và khâu lại bằng những đường kim mũi chỉ rất tỉ mỉ, đều tay” - Em Và Thị Dua, ở xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điên Biên cho biết.
Để có đủ quả pa pao chơi trong những ngày tết, mỗi cô gái phải chuẩn bị khoảng 3-4 quả. Mỗi khi có các chàng trai ở xa hoặc khách đến phải đem những trái pao đó ném cho họ, đủ mỗi người một quả và đồng thời quả pao cũng có nghĩa là thay lời mời gọi các chàng trai đó cùng vui chơi.
Trò chơi ném pao được tổ chức ở những khu đất rộng, bằng phẳng, và ở trên cao để người khác đi qua mới dễ nhìn thấy, thu hút được nhiều người đến, cùng chơi. Sân chơi này phải là các cô gái trong bản chọn và chuẩn bị (tức là khoảng 1, 2 ngày trước) để sáng mùng 2 tết, tất cả các cô gái và trẻ em gái cùng mặc những bộ quần áo mới và đẹp nhất đi chơi tết và cùng nhau ném pao.
Để chơi ném pa pao, sẽ chia thành hai bên nam-nữ đối xứng nhau, mỗi bên cách nhau khoảng 5-7mét, bên này ném pao cho bên kia, nhưng không được để cho quả pa pao rơi xuống đất, có khi cứ ném đi ném lại như vậy trong hàng tiếng đồng hồ. Trong khi chơi, có những đôi giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được quả pa pao, nếu bên nào thua thì phải hát hoặc làm theo yêu cầu của bên thắng.
"Lớp trẻ chúng em bây giờ ít người biết hát những điệu dân ca Mông đối đáp nên thường chơi ném pa pao theo kiểu bên nào không bắt được, làm quả pao rơi xuống đất, bên đó sẽ thua và bị phạt uống 1-2 chén rượu" - Em Vừ Thị Dếnh, ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho hay.
Đối với đồng bào Mông, ném pao không chỉ là trò chơi mà còn ẩn chứa trong đó rất nhiều ý nghĩa. Ban đầu, chỉ là chơi cho vui với nhau theo từng nhóm, từng đôi. Sau đó cô gái ưng chàng trai nào sẽ chủ động ném quả pa pao cho chàng trai đó, ném qua ném lại hàng giờ không biết chán và khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười. Còn các chàng trai nếu ưng cô gái nào họ thường giữ luôn quả pao để đến ngày hôm sau tiếp tục trò chơi ném pao, trao những nụ cười, ánh mắt cho nhau qua từng lời nói, tiếng hát. Chính vì vậy, đối với phần đa người Mông, đây không chỉ là trò chơi mà còn là nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa. Và trò chơi ném pa pao được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền.
2 năm trở lại đây, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tại các bản vùng đồng bào Mông cũng vẫn tổ chức trò chơi ném pa pao ngày Tết cho có không khí đón xuân, nhưng chỉ gói gọn trong phạm vi của bản.
"Năm cũ qua, tết đến xuân về, tất cả các chị em trong bản cùng đến ném pa pao chơi vui 2, 3 ngày. So với mọi năm thì 2 năm nay do có dịch bệnh phức tạp nên nên chúng em chỉ tổ chức ném pa pao vui xuân trong bản thôi" - Em Vàng Thị Lu, ở bản Phang Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết.
Đến các bản làng đồng bào Mông mỗi dịp tết đến xuân về dễ dàng bắt gặp những cô gái chàng trai người Mông xúng xính trong bộ trang phục đẹp nhất đi chơi tết, cùng nhau ném pa pao. Và quả pa pao được tung lên trong những ngày tết, hội xuân hàng năm đã góp phần gìn giữ một trò chơi dân gian, một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mông./.