Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà tù số 09 - Đào Duy Từ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang trưng bày nhiều hiện vật có giá trị lịch sử cao.

Ông Đặng Văn Đệ, cán bộ được phân công quản lý di tích Nhà tù số 09 - Đào Duy Từ cho biết, 2 năm trở lại đây, lượng khách đến di tích này ít hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, di tích luôn được quan tâm gìn giữ và mở cửa từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần cho du khách đến tham quan. Vấn đề lo ngại là tường nhà của di tích này thấm nước khi mưa kéo dài, phần mái nhà của di tích bị mối mọt rất nặng.

“Đây là điểm về nguồn của các học sinh tiểu học và trung học và Đoàn Thanh niên của các sở, ban, ngành tại địa bàn. Di tích này đang bị xuống cấp. Chúng tôi đã báo với Sở Văn hóa và Thể thao, trong năm nay Giám đốc sở và Ban Quản lý dự án của sở cũng đã xuống khảo sát. Hy vọng Nhà nước cho kinh phí để trùng tu và chống xuống cấp, để gìn giữ di tích nhằm giáo dục cho thế hệ mai sau”.

Tỉnh Bình Định hiện có 133 di tích được xếp hạng (trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 97 di tích cấp tỉnh). Hiện có nhiều di tích đã xuống cấp cần được trùng tu khẩn cấp như: Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù số 09 - Đào Duy Từ, thành phố Quy Nhơn; Di tích quốc gia đặc biệt Tháp chăm Dương Long, huyện Tây Sơn… Việc triển khai đầu tư xây dựng, bảo tồn các di sản gắn với chương trình phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn vừa qua còn nhiều hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, hệ thống di sản văn hóa, lịch sử và tài nguyên thắng cảnh của tỉnh Bình Định phong phú nhưng đầu tư khai thác, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng: “Vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp, hiện tại di tích tháp Chăm chưa hoàn thiện, khai thác và phát huy tác dụng di tích còn hạn chế vì hạ tầng chưa đáp ứng được phục vụ du lịch, ví dụ nhà vệ sinh đạt chuẩn du lịch là chưa có. Hiện nay vẫn chưa có điều kiện để quy hoạch. Riêng tháp quốc gia đặc biệt tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) chỉ có điều kiện mới trùng tu ở độ cao từ 12 mét trở lên”.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ 344 tỉ đồng để thực hiện quy hoạch, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu giai đoạn 2021 - 2025.

Trong văn bản gửi các Bộ xem xét hỗ trợ kinh phí, Bình Định sẽ tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ đã xếp hạng cấp quốc gia. Cùng đó, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia đang bị xuống cấp và bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng quốc gia.

UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng với các sở, ngành liên quan của tỉnh rà soát các danh mục di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng (quốc gia, quốc gia đặc biệt) và công trình văn hóa tiêu biểu trọng điểm, để đưa vào đầu tư theo Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ.

Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết: “Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đã giao cho Bảo tàng Bình Định và Bảo tàng Quang Trung tiếp tục quản lý phát huy các di tích. Đồng thời chúng tôi cũng chuẩn bị các phương án để rà soát, sẵn sàng khi có các nguồn kinh phí hỗ trợ trợ của Trung ương, khi có sự phân bố kinh phí của tỉnh thì chúng tôi sẽ kịp thời tiến hành các bước xây dựng, tu bổ, tôn tạo theo đúng Luật Di sản"./.