Thời gian qua, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành Trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai xây dựng hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.

Hồ sơ đề cử di sản được thống nhất xây dựng trên 4 tiêu chí theo Công ước Di sản 1972; trong đó có 2 tiêu chí đã được công nhận tại Vịnh Hạ Long là tiêu chí về giá trị cảnh quan, giá trị địa mạo địa chất và mở rộng thêm 2 tiêu chí nữa là giá trị đa dạng hệ sinh thái, đa dạng về giống loài.

Theo PGS.TS. Đỗ Công Thung, chủ trì hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, chưa có hồ sơ di sản nào được chuẩn bị kỳ công như hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà: "4 tiêu chí đưa ra trong hồ sơ đều có minh chứng khoa học rất chuẩn, thông qua các kết quả nghiên cứu cấp quốc gia và các nghiên cứu của các chuyên gia tư vấn nước ngoài. Khi chuẩn bị hồ sơ, chúng tôi rất quan tâm đến tính toàn vẹn của di sản. Chúng tôi cố gắng chứng minh rằng, nếu như Hạ Long - Cát Bà được công nhận các giá trị di sản mà chúng ta đề xuất thì toàn bộ giá trị di sản ấy sẽ dược bảo vệ một cách toàn vẹn trong ranh giới của di sản mà chúng ta đề xuất".   

Theo thông báo của Trung tâm di sản thế giới, đến nay, Hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đã đáp ứng tất cả các yêu cầu về mặt kỹ thuật. Do đó, UNESCO tổ chức đợt thẩm định thực địa tại di sản đề cử. Kết quả của chuyến thực địa là yếu tố quan trọng giúp Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế có cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị trình Ủy ban Di sản Thế giới trước khi thông qua việc ghi danh đề cử di sản tại kỳ họp thường niên vào tháng 6 hoặc tháng 7/2022.

Bà Aberg Ellen Ulrika, Chuyên gia của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) cho biết: "Theo hướng dẫn của Công ước Di sản, các giá trị toàn cầu ở đây không gói gọn trong các tiêu chí mà hồ sơ đã nêu ra mà phải có tổng thế các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị toàn vẹn của di sản, cùng với các biện pháp, cơ chế bảo tồn di sản. Thông qua cuộc đánh giá thực địa sẽ đưa ra ý kiến đối với ủy ban di sản về tính toàn vẹn của di sản, cùng các biện pháp quản lý, bảo vệ di sản".

Để đoàn đánh giá của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên tại vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đạt kết quả tốt nhất, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng lưu ý huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) đẩy nhanh giải phóng lồng bè trên vịnh Lan Hạ (Cát Bà), làm tốt công tác quy hoạc, xây dựng các công trình tại Cát Bà mang tính xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Các địa phương của Hải Phòng và Quảng Ninh cũng cam kết sẽ triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể với sự quyết tâm cao nhất để bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị và tính toàn vẹn của di sản trong thời gian tới./.