Trong chương trình, khi MC Mỹ Vân hỏi về điều nuối tiếc nhất trong sự nghiệp, NSƯT Đăng Dương rưng rưng chia sẻ: “Trong những năm qua, Đăng Dương đã nghĩ rất nhiều, đặc biệt là năm 2017 Đăng Dương tổ chức chức 1 concert nhân dịp kỷ niệm 20 năm ca hát. Hôm đó, Đăng Dương đã được thấy rất nhiều khán giả yêu thương, bạn bè, người thân của mình nhưng lại không có cha mẹ chứng kiến”.
Là người hiểu Đăng Dương, từng đồng hành cùng Đăng Dương trong nhiều chương trình suốt nhiều năm qua, MC Mỹ Vân đã thay lời anh để kể thêm với khán giả rằng khi Đăng Dương đi theo con đường nghệ thuật, gia đình anh vô cùng lo lắng và nghi ngờ không biết anh đã chọn đường đúng hay đường sai. Cũng vì vậy mà với tình yêu ca hát của mình, Đăng Dương đã rất nỗ lực để chứng minh lựa chọn của mình là đúng đắn, nhưng khi anh có được những thành công rạng rỡ trong sự nghiệp thì lại chưa một lần được nhìn thấy bố mẹ ở hàng ghế khán giả. Giờ đây, dẫu có ước bao nhiêu lần đi chăng nữa thì Đăng Dương cũng không thể được toại nguyện giấc mơ ấy, bởi vậy, điều đó đã trở thành day dứt ám ảnh trong cuộc đời nam ca sĩ.
Bố mẹ Đăng Dương không tin con trai mình chọn đúng con đường sự nghiệp của mình, nhưng Đăng Dương tiết lộ, cũng bởi sự lo lắng bất an của bố mẹ mới có được một Đăng Dương ngày hôm nay. Trong chương trình, hồi nhớ lại những ký ức xưa, NSƯT Đăng Dương cũng lần đầu tiết lộ câu chuyện về bức thư thay đổi cuộc đời anh từ cha mình.
Năm 1992, khi anh còn đang theo học đàn bầu, anh nhận được 1 bức thư của cha, trong đó ông gửi gắm những tình cảm rất đặt biệt cho con trai. Ông bày tỏ muốn Đăng Dương theo một ngành nghề khác tốt hơn cho cuộc sống vì học đàn bầu rất vất vả. Nhưng, trong lòng cậu bé Đăng Dương khi ấy, tình yêu ca hát rất mãnh liệt, anh liền xin cha cho mình 1 năm để theo học một ngành khác là thanh nhạc.
“Tôi cảm ơn bức thư của cha đã tha đổi cuộc đời tôi”- NSƯT Đăng Dương ngậm ngùi nói. Vì nỗi lo của cha mà quyết tâm theo đuổi thanh nhạc, vì nỗi lo của cha mẹ mà cố gắng đến cùng, ngay từ khi còn nhỏ NSƯT Đăng Dương đã chứng tỏ sự kiên định trong đam mê, trong quyết tâm của mình trước con đường mình muốn theo đuổi. Điều đó chứng minh vì sao suốt những năm qua dù đã từng gặp rất nhiều khó khăn nhưng NSƯT Đăng Dương vẫn kiên định với dòng nhạc thính phòng bán cổ điển, với âm nhạc cách mạng với khát vọng là người truyền lửa âm nhạc cách mạng đến công chúng, đến mọi thế hệ khán giả.
Chương trình “Con đường âm nhạc” đã minh chứng phần nào cho sự kiên định trong tình yêu âm nhạc cũng như nỗ lực lớn lao của anh trong sự nghiệp gìn giữ, lan toả dòng nhạc cách mạng đến khán giả. Với thời lượng chương trình 12 ca khúc không thể khắc hoạ được đầy đủ chân dung âm nhạc của Đăng Dương, nhưng phần nào cho thấy con đường âm nhạc anh đã đi, những dấu ấn, thành tựu và cho thấy cả một tương lai phía trước như anh khẳng định bằng ca khúc “Đường chúng ta đi”.
Xuyên suốt chương trình, Đăng Dương đã kể cho khán giả nghe về hành trình âm nhạc của mình từ bài hát đầu tiên “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, bài hát đã giúp anh đạt nhiều giải thưởng như "Giải nhất giọng hát hay Hà Nội" năm 1995, giải nhất "Giọng hát thính phòng" năm 1996, đánh dấu những bước thành công đầu tiên của anh, đến những bài hát gắn liền với sự nghiệp của anh như “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Người chiến sĩ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân - người nhạc sĩ mà Đăng Dương đã hát rất nhiều nhạc phẩm của ông, giúp anh thành công trong sự nghiệp, rồi bài hát giúp Đăng Dương thi đỗ vào Nhạc viện với điểm số rất cao là “Đâu phải bởi mùa Thu” (sáng tác Phú Quang), những bài hát nhạc Nga bất hủ đã có ảnh hưởng lớn đến Đăng Dương từ khi anh còn đi học, những bài thính phòng cổ điển nổi tiếng đại diện cho dòng nhạc thính phòng mà anh theo đuổi…
Phần hoà giọng của Đăng Dương và Phạm Thu Hà trong bài hát nhạc Italy “Beasame mucho” để lại rất nhiều ấn tượng cho khán giả. Màn kết hợp lộng lẫy mà tình cảm của hai nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng bán cổ điển đem đến cho người xem một cảm tưởng như được ngồi giữa những nhà hát opera kinh điển của thế giới để thưởng thức.
Đăng Dương nói, anh hạnh phúc vì được vinh danh trong “Con đường âm nhạc” số cuối cùng của năm 2021, bởi vậy, đây là chương trình mà anh muốn được tri ân: Tri ân những người thầy đã trao truyền cho anh ngọn lửa của tình yêu âm nhạc cách mạng, tri ân Hà Nội quê hương thứ hai, tri ân nước Nga đã cho anh biết bao kỷ niệm về tình cảm nồng hậu của đồng bào xa quê, và tri ân người vợ - một khán giả khó tính đã luôn đồng hành cùng anh, góp ý và sửa đổi cho anh trong cách hát, để giọng ca Đăng Dương dù hát chính ca hay những ca khúc nước ngoài nhưng vẫn mềm mại, mang hơi thở của trái tim và tâm hồn Việt Nam.
Chính vì vậy, mỗi ca khúc đều được Đăng Dương hát về bằng tất cả trái tim nồng cháy của mình, khiến người nghe cảm nhận rất rõ dù là những ca khúc mang đậm hơi thở âm nhạc cách mạng hào hùng, mạnh mẽ hay “khó” như âm nhạc cổ điển nhưng vẫn vô cùng tình cảm, mượt mà trong từng hơi thở.
Một lần nữa trên sân khấu, cùng dàn nhạc hùng hậu, giọng hát tenor sáng khoẻ, dày dặn mà ấm áp của Đăng Dương lại chinh phục trái tim khán giả, giúp khán gỉa thấy rõ hơn nhiệt huyết trong trái tim người nghệ sĩ như đang “cháy” lên trên sân khấu, truyền tới từng khán giả ngọn lửa tình yêu âm nhạc, đặc biệt là tình yêu đối với âm nhạc cách mạng…
Điều đặc biệt thú vị là trong chương trình, khán giả đã được gặp một nghệ sĩ đàn bầu Đăng Dương. Mặc dù những khán giả yêu mến Đăng Dương đều biết anh xuất thân từ người học đàn bầu, nhưng, ai cũng đều cảm thấy thú vị khi được thấy và nghe Đăng Dương chơi đàn bầu với bài “Bèo dạt mây trôi”. Đăng Dương kể về lý do học đàn bầu của mình khi bước chân vào con đường nghệ thuật chỉ bởi khi đó chưa vỡ giọng, chưa được học thanh nhạc. Từ ngày nhỏ Đăng Dương đã được nghe nhiều bài hát cách mạng trên đài phát thành, loa phát thanh của xã và thuộc rất nhiều bài. Biết Đăng Dương hát hay lại hay hát các bài hát cách mạng, mỗi khi có dịp lễ kỷ niệm nào đó, các cô ở UBND xã lại mời anh đến hát nhạc cách mạng.
Từ đó, Đăng Dương có khát khao được đi học nghệ thuật và được hát. Tuy nhiên, khi anh gặp người thầy đầu tiên là NSND Thanh Tâm ngỏ ý muốn học hát thì bà nói anh còn nhỏ, chưa vỡ giọng nên chưa thể học thanh nhạc. Thấy cậu bé có khả năng, lại đam mê, NSND Thanh Tâm khuyên Đăng Dương nên chọn học một loại nhạc cụ để tiếp xúc sớm với âm nhạc, rèn khả năng cảm nhận âm nhạc. Đăng Dương đã chọn học đàn bầu vì NSND Thanh Tâm là nghệ sĩ đàn bầu. Nam ca sĩ chia sẻ cây đàn bầu có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó đã nuôi dưỡng tâm hồn Đăng Dương để anh đến với con đường thanh nhạc một cách tốt đẹp. Sau này, với bức thư đầy tâm tư của cha anh khuyên con đổi nghề, Đăng Dương đã quyết liệt thi và theo học thanh nhạc để được toại nguyện với giấc mơ ca hát của mình.
Luôn kiên định với giấc mơ của mình, cũng rất sớm định hình phong cách và con đường âm nhạc riêng mình, nhưng, Đăng Dương cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, đôi khi là chông chênh để có thể bền bỉ với con đường mình đã chọn. Nhớ về những tháng năm khó khăn của mình, Đăng Dương kể, khi anh vào học thanh nhạc là thời kỳ đầu năm 90. Khi đó, nền ca hát của Việt Nam đang thịnh hành nhạc nhẹ, khán giả cũng chỉ nghe nhạc nhẹ nên ca sĩ chủ yếu theo nhạc nhẹ. Khi vào trường, các thầy gíao cũng khuyên Đăng Dương và các học trò khác nên theo nhạc nhẹ sẽ dễ làm nghề, dễ “sống” hơn. Nhưng, từ nhỏ đã yêu nhạc cách mạng và khi có cơ hội được đứng trên con đường chuyên nghiệp, Đăng Dương quyết tâm theo con đường mình muốn, nên chọn theo học thính phòng cổ điển.
“Khi đó khó khăn vô cùng, để sống được với nghề rất khó vì để sống được với nghề phải theo cái gì phổ thông hơn, nhưng điều quan trọng là đam mê đã ngấm vào máu thịt, nên Đăng Dương kiên định bằng mọi cách”- NSƯT Đăng Dương chân tình giãi bày. Thế nên Đăng Dương chấp nhận đi hát với mức cát xê rất bèo bọt, thấp hơn rất nhiều so với ca sĩ nhạc nhẹ, nhưng dù đứng trước những cám dỗ của sự nổi tiếng, “dễ sống” khi ấy, Đăng Dương vẫn kiên định “giữ lửa” với dòng nhạc mình yêu thích và chính ngọn lửa đó đã giúp anh thành công đến bây giờ, để hôm nay nhìn lại, Đăng Dương tự hào về lựa chọn của mình, tự hào về nỗ lực và thành tựu rực rỡ của mình.
Một chi tiết khá thú vị trong chương trình đó là màn kết hợp của Đăng Dương và nghệ sĩ accordion Đào Kiên. Khán giả rất bất ngờ khi Đăng Dương giới thiệu nghệ sĩ Đào Kiên chính là bạn thuở hàn vi của anh, là người đã cùng anh thi vào thanh nhạc. Sự hoà quyện của hai người bạn từ thuở hàn vi trong âm nhạc đã cho thấy rõ nét hơn một Đăng Dương luôn biết ơn chặng đường mình từng đi qua, gắn bó, một Đăng Dương luôn sắt son đối với những gì anh yêu mến, lựa chọn. Nhờ vậy, chúng ta có một NSƯT Đăng Dương không chỉ là một trong những tên tuổi nổi bật của dòng nhạc chính ca mà còn là “người truyển lửa” âm nhạc cách mạng luôn đầy ắp nhiệt huyết, tràn đầy khát vọng./.