Thông tin về Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia sắp được khởi công với số tiền tới 11.277 tỉ đồng khiến nhiều người băn khoăn.Phải nói rõ thêm, số tiền khổng lồ này chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ VHTT & DL thực hiện, tức hơn 11.000 tỷ này chỉ để dành cho “vỏ” bảo tàng.
Lo lắng của nhiều người dân có cơ sở khi số tiền hơn 11.000 tỷ đồng để xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong thời điểm nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, trường học, bệnh viện thiếu thốn, đường xá xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, bài học lãng phí lớn từ công trình bảo tàng Hà Nội và công viên Hòa Bình - những công trình nghìn tỉ mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vẫn còn đó.
 bao-tang%20111.jpg
Bảo tàng Hà Nội công trình nghìn tỷ hiện không đủ hiện vật để trưng bày (ảnh: Dân trí)

Trên thực tế không có công trình văn hóa nào mà không tốn tiền nhưng vấn đề mà giới chuyên môn quan tâm hơn cả là bảo tàng sẽ được trang bị như thế nào, sẽ bày những gì trong đó, sẽ vận hành như ra sao? Ở tất cả các nước có hệ thống bảo tàng tiên tiến khác, phải có một dây chuyền bảo tàng chuyên nghiệp rồi người ta mới tiến hành làm “vỏ”, có nghĩa là có con người, có hiện vật, có công nghệ vận hành rồi mới xây nhà bảo tàng. Còn chúng ta đang làm ngược lại. Cứ xây cái đã, trong ruột có gì tính sau, bảo tàng Hà Nội là một ví dụ: xây xong rồi, không có hiện vật để trưng bày. Theo kiến trúc sư Đoàn Đức Thành (ủy viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam), nếu chúng ta cứ làm theo quy trình ngược như vậy thì sự lãng phí càng lớn hơn. Vì vậy, Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành cho rằng, xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần thiết nhưng phải đồng bộ cả nội dung và hình thức: “Với quan điểm của giới chuyên môn, tôi thấy nước ta cần có bảo tàng quy mô, xứng tầm với thế giới. Vấn đề ở đây là bảo tàng này chuẩn bị nội dung như thế nào, trưng bày hiện vật ra sao để phù hợp với kiến trúc. Theo tôi, bảo tàng lịch sử quốc gia cần chuẩn bị nội dung “ruột” đầy đủ sau đó xây “vỏ” cũng chưa muộn. Nếu chúng ta chưa chuẩn bị nội dung đầy đủ mà đã xây “vỏ” thì sẽ lặp lại “vết xe đổ” như bảo tàng Hà Nội trở nên lãng phí, không cần thiết...”

 

Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành (ảnh Kienviet.net)

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính, xây dựng bảo tàng để lưu giữ hiện vật lịch sử là cần thiết nhưng hiện nay chúng ta có rất nhiều bảo tàng mà hoạt động không hiệu quả và tẻ nhạt. Xây dựng bảo tàng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu là lưu giữ hiện vật lịch sử mà còn cần phải đảm bảo được yếu tố kiến trúc và văn hóa.  Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần học tập mô hình của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì mới hiệu quả.

 

Bảo tàng lịch sử quốc gia là dự án có 4 hạng mục chính, xây dựng tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Hà Nội). Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10 ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000 m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000 m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000 m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000 m2.
Dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia đã được khởi động từ năm 2007, từ việc chọn được phương án thiết kế mà ban giám khảo đánh giá là hoàn hảo nhất từ một cuộc thi kiến trúc quốc tế mở rộng cho tất cả các kiến trúc sư và công ty kiến trúc trong và ngoài nước. Việc trưng bày lấy ý kiến người dân về công trình văn hóa đặc biệt này cũng đã thực hiện. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo tàng cũng đã được thành lập đến 4 năm nay nên việc công bố xây dựng vào tháng cuối năm 2012 chỉ là động thái mang tính nghi lễ cho một dự án rất lớn và thực tế đã được vận hành từ lâu.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) cho biết, hiện nay những việc chuẩn bị cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang được thực hiện thông suốt: “Những phần việc chuẩn bị cho công trình này, bao gồm chuẩn bị phần việc trưng bày theo các hệ thống tiến trình lịch sử 1 cách toàn diện liên tục và đầy đủ nhất về lịch sử việt nam từ trước đến nay. Bộ VHTT & DL cũng đã chỉ đạo rà soát, kiểm kê, đánh giá chọn lọc các hiện vật đang lưu trữ ở 2 bảo tàng cách mạng và bảo tàng lịch sử Việt Nam  để làm sao sử dụng tối ưu nhất cho việc trưng bày ở bảo tàng lịch sử quốc gia. kế hoạch trước mắt và lâu dài, chính phủ cho phép bên cạnh các hiện vật hiện có với quy mô và yêu cầu của bảo tàng lịch sử quốc gia trong tương lai thì việc bổ sung các tài liệu hiện vật, cho phép bộ văn hóa được triển khai song song việc sưu tầm hiện vật.

 

Mô hình dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Việc xây bảo tàng mang tầm cỡ quốc gia hay quốc tế là rất đúng. Nó sẽ thể hiện trọn vẹn lịch sử của một quốc gia và dân tộc cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, con số hơn 11.000 tỉ đồng kia là số tiền khổng lồ trong thời điểm hiện nay. Còn nhiều vấn đề của đất nước đang cần giải quyết như an sinh xã hội, giáo dục, y tế... Vì vậy, việc dành hơn 11.000 tỷ đồng để xây dựng bảo tàng cần được cân nhắc một cách hết sức kỹ càng và hiệu quả./.