Lúc Phó Thủ tướng tới, tại Hãng phim có mặt: Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, biên kịch Nguyễn Xuân Thành, họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Nguyễn Tiến Đức.

Các nghệ sĩ đã đề bạt lên Phó Thủ tướng nguyện vọng của tập thể các nghệ sĩ đang và đã từng công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Họ ủng hộ việc cổ phần hóa vì đó là xu thế tất yếu nhưng vấn đề là phải cổ phần hóa như thế nào, để đảm bảo hoạt động của hãng phim cũng như mong muốn cống hiến của các cán bộ, công nhân viên. Các nghệ sĩ rất đau lòng trước thực trạng của Hãng phim hiện nay.

160003-2.jpg

(Ảnh: Tuổi trẻ)

Hãng Phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Tên tuổi của hãng gắn liền với những bộ phim cách mạng và nghệ thuật. Một số bộ phim do hãng sản xuất đã gây tiếng vang, không chỉ trong nước mà còn tại các Liên hoan phim quốc tế như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng 10, Em bé Hà Nội...

Tuy nhiên, trong suốt 20 năm qua, hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam ngày càng ít. Năm 2016, Hãng chào mời cổ phần hóa với rất nhiều lùm xùm. Tháng 6/2017, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại Hãng phim.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với họa sĩ Thành Chương và các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam.

Sau hơn hai tháng cổ phần, các nghệ sĩ đã và đang làm phim tại Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc vì cho rằng Vivaso không muốn làm phim mà chỉ muốn chiếm những mảnh đất vàng mà Hãng đang sở hữu.

Chiều 19/9, Vivaso và các nghệ sĩ của Hãng phim truyện đã tổ chức một cuộc họp để bàn về những khúc mắc đang tồn tại. Tuy nhiên, cuộc họp với nhiều tranh cãi, ồn ào, tiếp tục rơi vào bế tắc, không đạt được bất cứ kết quả nào.

Dự kiến, sáng 21/9, các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam sẽ gặp gỡ với giới truyền thông tại trụ sở của Hội Điện ảnh.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì buổi làm việc với nội dung xoay quanh Hãng phim truyện Việt Nam./.