Trong lá đơn, các thành viên Chi hội điện ảnh này khẳng định cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn, là điều mà cán bộ, công nhân viên hãng đều mong muốn. Tuy nhiên, họ không đồng tình với cách thức cổ phần hóa.

Lá đơn chỉ ra những vấn đề bất cập trong quá trình cổ phần hóa:

- Việc thành lập tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch không "ổn". Giám đốc hãng phim đã không cử những nghệ sĩ có chuyên môn điện ảnh cao vào tổ này, mà chỉ cử những người làm việc ở phòng tổ chức của hãng vào.

- Công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp cho hãng phim đã tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 với sự đồng ý của Ban cổ phần Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

850hangphimtruyen0_1459140781490x294_abnz.jpg
Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: NDH)

- Đăng tin tìm cổ đông chiến lược 3 kỳ trên một tờ báo duy nhất là Kinh tế và Đô thị Hà Nội với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi.

- Sự định giá thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 và việc chọn cổ đông chiến lược duy nhất là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch.

- Ngày 28/12/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim Truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cổ phần. Tuy nhiên Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vẫn giữ nguyên Ban cổ phần cũ.

- Ngày 23/6/2017 Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ra quyết định thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng.

- Sau hai tháng cổ phần, Vivaso đã không giữ đúng cam kết về trả lương cho cán bộ công nhân viên. Mức lương không theo một căn cứ nào, gây bất bình cho cán bộ, công nhân viên.

- Cơ sở vật chất bị xáo trộn: Sát nhập 4 phòng vào một phòng để lấy đất kinh doanh chứ không để làm phim.

- Công ty cổ phần yêu cầu cán bộ, công nhân viên tự đi kiếm việc, tự trả lương. Nếu muốn được nhận lương từ công ty cổ phần thì phải đi làm đủ 8h như đi làm hành chính. Điều đó thể hiện sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo công ty cổ phần về đặc thù công việc của hãng.

"Tập thể anh chị em nghệ sĩ hội viên của Chi hội Điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam kính đề nghị Hội Điện ảnh Việt Nam hãy vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên chúng tôi.

Chúng tôi kiến nghị Hội Điện ảnh yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát chặt chẽ và có những giải pháp thay đổi căn bản về tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sao cho tài sản của nhà nước không bị thất thoát.

Sau đó tìm được cổ đông chiến lược chính xác sau khi thương hiệu và lợi thế vị trí đất của hãng được tính vào giá trị doanh nghiệp nhằm thực hiện đúng, đầy đủ, minh bạch quá trình rà soát lại việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng".

Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với Hội Điện ảnh Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, phó chủ tịch thường trực của hội, cho biết:

"Hội Điện ảnh là nơi bảo vệ quyền lợi của các hội viên. Hội đã tiếp nhận lá đơn của Chi hội Hãng phim Truyện Việt Nam. Vào ngày 18/9 tới đây, ban chấp hành hội sẽ họp bàn để xem xét đơn kêu cứu này"./.