“Phim lịch sử Việt Nam vừa ít, vừa yếu” là nhận định của nhà phê bình điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam tại buổi Hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện điện ảnh và truyền hình”, do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức sáng 6/11 tại Hà Nội. Hội thảo thu hút đông đảo các đạo diễn, nhà làm phim lịch sử tham dự.
Các tham luận tại Hội thảo cho thấy các nhà làm phim đề tài lịch sử đang gặp không ít khó khăn trong việc nghiên cứu hiện thực lịch sử. Nhiều bộ phim đã xảy ra những cuộc tranh luận quyết liệt chủ yếu là về phần thiết kế mỹ thuật trong phim. Điển hình như phim “Đường đến Thăng Long” của công ty Trường Thành, không được phát sóng vì quá giống phim cổ trang Trung Quốc. Thế nhưng, ngay cả những người phản biện, chê trách bộ phim cũng không có bất cứ tài liệu nào khẳng định thời Lý thì nhà vua, quan lại ăn mặc ra sao, kiến trúc như thế nào?
Trang phục trong phim "Đường tới Thăng Long" gây tranh luận |
Nhà phê bình điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan nhận định: “Cho đến bây giờ phim lịch sử của chúng ta vẫn rất là ít và yếu là do sự lưu trữ hoặc do sự bảo tồn các di sản văn hóa vật thể của chúng ta rất yếu và hầu như là không được toàn vẹn. Khi không có chất liệu lịch sử như thế, các nhà làm phim không thể quay phim, dàn dựng, hóa trang, phục trang. Thậm chí người viết kịch bản không thể hình dung ra một cách cụ thể lịch sử của mình sẽ như thế nào”.
Từ việc thiếu tư liệu lịch sử, chắc chắn nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình về đề tài lịch sử chỉ dừng ở mức minh họa cho kiến thức lịch sử. Nhiều phim không có cốt truyện thực với sự phát triển, mâu thuẫn, xung đột. Sự sáng tạo ở nhiều bộ phim chỉ đơn giản là tạo ra một số một số tình huống để nhân vật tranh luận, xung đột nho nhỏ và viết lời thoại cho nhân vật. Với cách thể hiện như vậy, hình tượng nhân vật lịch sử khô cứng, đơn giản, thiếu sức hấp dẫn. Nhà văn, nhà phê bình điện ảnh Ngô Thảo nói: “Hiện nay, có hai khuynh hướng, một khuynh hướng là lý tưởng hóa quá khứ, tạo ra các nhân vật lịch sử rất đẹp, rất tuyệt vời mà ngày nay không có. Khuynh hướng thứ 2 là vì mục đích của mình mà các nhà làm phim bôi nhọ nhân vật lịch sử. Tuy nhiên suy cho cùng, chúng ta đang dựng lên những nhân vật không đúng với vị trí và không giống với cuộc sống thực”.
Vấn đề làm thế nào để phim về đề tài lịch sử có thể phát triển trong tương lai không phải là vấn đề mới được đưa ra bàn thảo. Ngay từ những đợt làm phim lịch sử cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vấn đề này đã được đưa ra. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn dậm chân tại chỗ, và hai năm qua chưa có một một phim lịch sử nào được thực hiện. Do đó Hội Điện ảnh Việt Nam hy vọng hội thảo sẽ gióng lên hồi chuông cho phim lịch sử Việt Nam./.