Tuy nhiên dường như Việt Nam vẫn chưa có một bộ phim về đề tài lịch sử nào xứng tầm với cội nguồn lâu đời ấy của dân tộc chứ càng chưa thể nói đến một dòng phim lịch sử có ý nghĩa và phát triển như một số các quốc gia Châu Á.
Khó trăm bề
Có thể nói trong vài năm trở lại đây phim điện ảnh cũng như truyền hình đã có được những bước tiến đáng kể để phục vụ cho nhu cầu của khán giả. Tuy nhiên nhìn vào những bộ phim được trình chiếu trên sóng truyền hình hàng năm hay những bộ phim Tết được tung ra rạp mới thấy buồn vì trong số ấy hình như không có bóng dáng của bất kỳ một bộ phim nào về đề tài lịch sử.
Trên truyền hình, đề tài lịch sử vắng bóng bởi sự “lên ngôi” của những bộ phim theo trào lưu sitcom hay phim lấy đề tài là cuộc sống đương đại. Rất ít khi khán giả Việt được theo dõi một bộ phim lịch sử của Việt Nam mà thay vào đó là phim thuộc dòng đề tài này của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Các khán giả thuộc nhiều độ tuổi khác nhau say sưa đón nhận phim lịch sử Trung Quốc, nên trẻ con mới thuộc sử nước người hơn sử nước nhà.
Cũng bởi sự xuất hiện ồ ạt và liên tục của phim lịch sử nước ngoài mà hầu như khán giả quên đi sự tồn tại của chính phim lịch sử nước mình. Vài năm trước đây có một số bộ phim thuộc dòng đề tài này được trình chiếu trên sóng các đài truyền hình. Tuy nhiên con số ấy quá ít, không thấm vào đâu so với sự phủ sóng dày đặc của phim lịch sử Trung Quốc.
Bên cạnh việc chúng ta có rất ít những bộ phim lịch sử thì vấn đề chất lượng của các bộ phim cũng là điều đáng phải bàn. Hầu hết các bộ phim được làm về đề tài này chưa thỏa mãn thị hiếu của khán giả cũng như chưa thể hiện hấp dẫn, sinh động quá khứ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các bộ phim mới chỉ đi vào bề nổi, tái hiện một cách hết sức sơ sài những vấn đề liên quan đến thời đại, con người trong quá khứ.Vậy nên đạo diễn Lê Cung Bắc mới bảo: “Phim lịch sử làm cho hay thì khó, làm cho có thì dễ”.
Việc các nhà làm phim chưa tìm hiểu một cách sâu sắc văn hóa cũng như các yếu tố cần phải có của dòng phim lịch sử đã tạo nên những tác phẩm thiếu chặt chẽ, phi logic, còn sai về trang phục hay đạo cụ là chuyện bình thường. Về nội dung thường là ôm đồm sự kiện, và về nghệ thuật thì có khi còn vụng về. Bối cảnh không được đầu tư đúng mức khiến cho khán giả không thể cảm nhận được hết hơi thở hừng hực trong dòng chảy lịch sử từ những biến cố, thăng trầm của dân tộc.
Một nguyên nhân khách quan đẩy dòng phim lịch sử đi vào thế “bí” đó là Việt Nam thiếu trầm trọng những bối cảnh để làm phim. Các di tích, đền đài, lăng tẩm… đều đang xuống cấp hoặc không thể khai thác, không hội tụ đủ mọi điều kiện và không đủ nhiều để làm phim. Ngoại trừ khu lăng tẩm của triều Nguyễn ở Huế và một trường quay ở Cổ Loa – Đông Anh đang đi vào hoàn thiện, còn lại các nhà làm phim Việt phải đau đầu đối mặt với bài toán bối cảnh. Những trường quay lớn, hoành tráng như Trung Quốc hay Hàn Quốc, với những trang thiết bị hiện đại vẫn chỉ là mơ ước.
Còn thiếu những trường quay hoành tráng |
Bao giờ cất cánh?
Công chúng tập trung chờ đợi hàng loạt những dự án tiền tỷ, những phim “bom tấn” như: Thái sư Trần Thủ Độ, Chiếu dời đô, Long Thành cầm giả ca, Huyền sử thiên đô… sắp ra mắt khán giả để chào mừng kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Số tiền đầu tư vào những dự án không phải là ít, sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng dành cho những bộ phim ấy cũng không phải là nhỏ… Từ khi còn đang nằm trên trang giấy cũng như khi bấm máy khởi quay, hậu kỳ, hậu trường.. của những bộ phim này luôn được săn đón và đăng tải thông tin liên tục trên báo chí. Chúng ta vẫn đang mong đợi, hy vọng từng ngày vào “sự thay da đổi thịt” của phim lịch sử Việt góp mặt trên màn ảnh nhỏ, trong các phòng chiếu và chinh phục khán giả.
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt |
Phim Trần Thủ Độ |
Dòng phim lịch sự đã xuất hiện tại Việt Nam từ khá lâu tuy nhiên những tác phẩm thành công thì lại chưa có nhiều, để lại được ấn tượng trong lòng khán giả thì lại càng hiếm. Những bộ phim trước đây chúng ta thực hiện mới chỉ chạm ngõ lịch sử, hoặc là sự minh họa lịch sử chứ chưa phải là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa của nó. Vì vậy với những dự án lớn đang trong quá trình thực hiện hoặc đã chuẩn bị ra mắt khán giả chúng ta trông đợi vào những Đào Duy Phúc, Lưu Trọng Ninh, Đào Bá Sơn hay Lưu Huỳnh sẽ mang lại những cái nhìn tươi mới hơn và để phim lịch sử Việt Nam thực sự cất cánh. Đó cũng chính là hy vọng chính đáng được “đánh thức sau một giấc ngủ vùi” của những người yêu phim lịch sử đối với những tác phẩm này./.