Từng làm trưởng tiểu ban lý luận, phê bình của Hội nhà văn Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái luôn quan niệm rằng những người làm công việc “cầm cân nảy mực” thì không nên đưa tác phẩm của chính mình vào, không nên tạo ra những khoảng không cân bằng trong nghệ thuật. Thế nhưng, sau đó, từ khi không còn ngồi ở vị trí “ghế nóng” của các cuộc thi cũng như vị trí Chủ tịch Hội lý luận, phê bình, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nhanh chóng đóng góp sức lực cũng như tinh thần của mình qua các tác phẩm tham dự, trong đó có “Đánh đường tìm hoa”. 

Bà chia sẻ rằng: “Cuốn sách này tôi dựa trên phương diện mừng 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Tôi luôn ghi lại các chân dung văn học, vấn đề về văn chương cũng như nghệ thuật trong cuộc sống và con người”.

minhthai1.jpg

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái

“Đánh đường tìm hoa” do NXB Văn hóa- Văn nghệ ấn hành. Lấy ý tưởng từ Văn Tâm- tiên sinh của làng văn hóa, văn nghệ khi ông bẻ đôi câu thơ “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để lấy vế sau là “Vườn khuya một mình” để đặt tên cho cuốn sách của chính mình, PGS, TS Minh Thái cũng đã dựa vào chiều hướng đó để lấy tiêu đề cho tác phẩm của mình. Bà bày tỏ rằng: “Tôi rất ấn tượng với cách đặt tên của vị tiên sinh đó, chính vì thế tác phẩm của tôi cũng được dựa theo ý tưởng như vậy”. Vì lẽ đó, “Đánh đường tìm hoa” chính là vế sau của câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.

Khi được hỏi rằng tại sao bà không chọn câu thơ khác mà lại chọn câu “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nói rằng đối với bà, tất cả các văn nghệ sỹ của Hà Nội- họ đều là những bông hoa đẹp nhất trong tất cả các loài hoa. Họ đã tìm kiếm và xây dựng cho mình những nét đẹp chân dung cũng như những nét tinh túy của Hà Nội, con người và cảnh sắc Hà Nội, nhất là trong những ngày Hà Nội khởi sắc kỷ niệm mừng 1000 năm Thăng Long. “Tôi luôn đau đáu nỗi lòng về Hà Nội nên tôi yêu Hà Nội và yêu cả những người nghệ sỹ viết về Hà Nội. Đó cũng chính là lý do vì sao tôi chọn nét đẹp của hoa để làm nội dung cho tiêu đề cũng như vẻ đẹp của Hà Nội để xuyên suốt tác phẩm của tôi”.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái (giữa) nhận giải thưởng Văn học với tác phẩm “Đánh đường tìm hoa”

Biên soạn những cuốn sách trên tinh thần “đánh đường tìm hoa”, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng bà luôn trăn trở những nét vẽ về chân dung, về gương mặt con người và cả tình người ấm áp, yêu thương. Mỗi nghệ sỹ là một khuôn mặt, mỗi khuôn mặt là một cá tính và mỗi cá tính đều phụ thuộc vào nghệ thuật mà người nghệ sỹ theo đuổi. Với bà, “mặt người đẹp như mặt hoa, đó là những bông hoa đẹp nhất”.

“Mặt người, mặt hoa” là tên tác phẩm tiếp theo mà PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái đang hướng tới. Bà chia sẻ rằng: “Tôi thích vẽ chân dung bằng chữ cho tất cả các nghệ sỹ, nhất là những nghệ sỹ sân khấu- những người cầm bút và chơi chữ như những nhà nghệ thuật về ngôn từ”. Và những “hoa” được chiêm ngắm là Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Ðình Thi, Trịnh Công Sơn, Đỗ Huân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Nghi, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Xuân Quỳnh; các tác giả đang ở độ chín của sự nghiệp như Lê Hùng, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương... Phía sau những con người, bức tranh ấy là giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa mà với những thăng trầm thế sự chìm nổi thời gian nay chỉ còn lại trong ký ức của người đương thời./.