Tại kỳ họp bất thường khóa 9, Hội đồng nhân dân TPHCM đã thông qua tờ trình của UBND thành phố về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách thành phố. Quyết định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội.
HĐND TPHCM thông qua dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá hơn 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm. Ảnh: Dân trí. |
Nâng tầm vị thế TPHCM
Liên quan đề xuất thực hiện dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, UBND thành phố cho biết trước đây vào thời Pháp thuộc, TPHCM có 3 nhà hát là: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc nhà nước thành phố) và Nhạc viện thành phố, song nay chỉ còn Nhà hát thành phố đúng nghĩa. Các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.
Vì thế, UBND thành phố đặt mục tiêu xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của đất nước; là một trong những công trình thiết chế văn hóa mới tiêu biểu của TPHCM, góp phần khẳng định vị thế của TPHCM.
Theo đó, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có quy mô 1.700 chỗ, với 2 khán phòng, được xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.500 tỷ đồng, từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, Quận 1.
Nhà hát lớn ở quận 1, trung tâm TP HCM. Ảnh: Soha. |
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đều tán thành với chủ trương xây dựng nhà hát và cho rằng, đây sẽ là công trình nghệ thuật chuyên ngành đánh dấu, thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài đến với TPHCM. Tuy nhiên, lo ngại Nhà hát Giao hưởng Nhạc và Vũ kịch đi theo “vết xe đổ” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, thông qua chủ trương đầu tư nhưng lại giám sát không tốt, xây dựng rồi lại không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến về quy mô, chức năng và giá trị sử dụng của công trình trị giá 1.500 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, hiện thành phố có chủ trương đầu tư 47 tỷ đồng mua sắm thiết bị, phương tiện phục vụ biểu diễn ca nhạc nghệ thuật nhưng lo ngại không có kho để bảo quản, vì vậy mà Nhà hát mới tại Thủ Thiêm được trông mong giải quyết vấn đề này.
Ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết công trình này sẽ được chuẩn bị kỹ về thiết kế: “Công trình này sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế. Thành phần hội đồng thì do ủy ban làm chủ tịch, và mời các nhà về kiến trúc, về nghệ thuật liên quan đến giao hưởng, nhạc và vũ kịch để tham gia vào hội đồng thi tuyển”.
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo nhạc sĩ Trần Mùi, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thì việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế ở TPHCM là cần thiết nhằm nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố, cũng như đáp ứng nhu cầu giải trí của hàng triệu du khách các nước đến TP mỗi năm. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Mùi cũng cho rằng việc xây dựng nhà hát này phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhạc sĩ Trần Mùi nói: “Rõ ràng là TPHCM vẫn chưa có một không gian biểu diễn nhạc giao hưởng đúng tầm bác học. Anh em văn nghệ sĩ cũng đề xuất lâu rồi. Việc xây dựng công trình này tôi thấy rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, ở khu vực Thủ Thiêm vẫn đang có những vấn đề tế nhị, có lẽ chúng ta nên lùi lại một thời gian”.
Cùng suy nghĩ như nhạc sĩ Trần Mùi, anh Nguyễn Mạnh Vũ ở phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM cũng hy vọng thành phố sẽ có một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc và nghệ thuật. Tuy nhiên, trước mắt nên ưu tiên ngân sách giải quyết những vấn đề cấp bách của thành phố, đầu tư cho các công trình liên quan mật thiết đến chất lượng sống của người dân như: bệnh viện, trường học, đường sá… bởi hàng ngàn tỷ đồng không phải là một con số nhỏ.
Anh Vũ nói: “Về nhà hát vừa được Hội đồng nhân dân TPHCM vừa thông qua, tôi nghĩ là cũng cần thiết, nhưng chưa bằng nếu so với những cơ sở khác mà người dân cần như trường học, bệnh viện. Nhiều bệnh viên quá tải, có trường phải dạy ca ba, hay kẹt xe, ngập nước. Theo tôi thì nên dành ngân sách cho những công trình cấp bách, phục vụ dân sinh, còn nhà hát thì xây sau cũng được”./.
Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Nhà hát Lớn Hà Nội