Trong nửa cuối tháng 10 này, sự kiện nghệ thuật quốc tế Đất Mường 2 & Asia Art Link 4 với tên gọi “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” đang diễn ra tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường (TP. Thái Bình, TP. Hòa Bình). Đây là lần thứ 3 sự kiện nghệ thuật này của nhóm nghệ sỹ Asia Art Link được tổ chức và là lần quy tụ được số nghệ sỹ nhiều nhất: 68 nghệ sỹ  của các bộ môn nghệ thuật: hội họa, đồ họa, điêu khắc, gốm và sắp đặt ngoài trời.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế cùng sống và lao động nghệ thuật trong khuôn viên Bảo tàng không gian văn hóa Mường. Mỗi mái nhà sàn đều biến thành những studio sáng tác. Các nghệ sỹ được sáng tạo trong không gian đậm đặc “chất Mường”, được ăn những món ăn của người dân bản địa. Đó là những trải nghiệm quý giá và khó quên với mỗi nguời nghệ sỹ. Nữ họa sỹ Hardiana (Indonesia) tỏ ra đặc biệt thích thú với món măng tre, trong khi họa sỹ Hadi Soesanto thì yêu thích những quả chuối. Anh đã vẽ chúng lên những đĩa giấy và treo lên cột nhà sàn để trang trí.

Tại workshop nghệ thuật này, sự giao lưu văn hóa đang diễn ra theo nhiều chiều. Khi người nghệ sỹ tới đây, họ hiểu biết thêm về văn hóa Mường, một nền văn hóa bản địa đặc sắc. Chính không gian này, những người dân ở đây đã khơi nguồn cảm hứng cho một số nghệ sỹ một cách trực tiếp và ngay lập tức. Họa sỹ Trần Châu đến từ TP.HCM đã vẽ xong bức tranh về hai người phụ nữ Mường thuộc hai thế hệ khác nhau và ông đang tiếp tục hoàn thành bức tranh “Bếp Mường”. Không gian sinh hoạt chung, nơi quần tụ, nơi  nuôi dưỡng sức sống cho mỗi căn nhà Mường truyền thống chính là bếp lửa bập bùng. Khi ánh lửa còn sáng thì gia đình còn ấm cúng.

Sự ảnh hưởng của văn hóa bản địa không phải ai cũng có thể đưa vào sáng tác nghệ thuật nhanh như vậy. Song dù ít nhiều, theo quá trình tích lũy chung của người nghệ sỹ thì chất văn hóa địa phương sẽ dần dần được chuyển vào trong tác phẩm. Tại workshop này, nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Miguel Angel Gil đang sáng tạo tác phẩm bằng gốm miêu tả quá trình tiến hóa từ phôi cho tới khi hình thành một quả trứng. Ông cho biết cảm hứng sáng tạo này được hình thành từ sự tiếp xúc với văn hóa phương Đông trong những chuyến đi. Ông cảm thấy dễ chịu với khung cảnh, khí hậu vùng núi ở Việt Nam và đặc biệt là chất liệu đất ở đây rất tốt, thích hợp làm đồ gốm sứ.

Đồng thời, các nghệ sỹ đem đến workshop những nét văn hóa đặc trưng của đất nước mình, thể hiện trong những tác phẩm họ mang theo hoặc sáng tác trong chính thời gian này. Họa sỹ Hardiana mang theo bức tranh vẽ một thủ lĩnh trẻ tuổi của ngôi làng ở  quê hương cô. Họa sỹ Lee Chea Hong người Malaysia đã hoàn thành bức tranh có khung cảnh là một ngọn núi tại Malaysia cao tới 201.500m, nơi anh vừa thực hiện một chuyến đi đáng nhớ.

Theo anh Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường, những người tổ chức sự kiện nghệ thuật này hy vọng sự giao lưu văn hóa giữa các nghệ sỹ sẽ diễn ra hàng ngày, trong quá trình lao động nghệ thuật rất miệt mài và nghiêm túc. Họ sẽ học hỏi được từ nhau nhiều điều về sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, từ những yếu tố mang tính kỹ thuật tới những ý tưởng, phong cách… Trong thời gian diễn ra sự kiện, bảo tàng vẫn mở cửa cho khách tham quan và thông qua sự kiện này, người dân trong khu vực có cơ hội hiểu thêm về văn hóa, nghệ thuật của các quốc gia khác.

Các nghệ sỹ sẽ hoàn thành tác phẩm trước ngày 25/10. Từ ngày 26/10, các tác phẩm được lựa chọn trưng bày trong triển lãm diễn ra tại Đại học Văn hóa (Hà Nội)./.

Nữ họa sỹ Hardiana (Indonesia) bên bức tranh cô mang theo
Họa sỹ Hadi Soesanto (Indonesia)
Họa sỹ Lee Chea Hong (Malaysia) và tác phẩm mới hoàn thành
Nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Miguel Angel Gil đánh giá cao chất lượng nguyên liệu đất
Họa sỹ Trần Châu (TP.HCM) đang hoàn thành bức tranh "Bếp Mường"
Tác phẩm của họa sỹ Trần Châu