>> “Lạ” ở “Ngày thơ Việt Nam 2010”
Mang tiêu chí “Đại lễ hội thơ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Ngày thơ Việt Nam 2010 được công chúng kỳ vọng, nên đã đến tham dự đông nhất trong 8 lần Ngày thơ Việt Nam được tổ chức.
Ở sân thơ truyền thống, chưa thấy có sự bứt phá, khi vẫn là kịch bản của 7 năm trước, với lần lượt các nhà thơ lên đọc, rồi cuối cùng là thả 50 câu thơ hay lên trời. Giữa ồn ào của lễ hội, nhiều khán giả còn chưa kịp hình dung, thì danh sách 50 câu thơ hay đã đọc xong, nên không ai biết câu thơ nào được thả.
Tuy nhiên, ở Sân thơ trẻ, đã có những cố gắng đổi mới với chủ đề “Chuyển động của cảm xúc” trên 3 sân khấu: Góc thơ truyền thống, Góc thơ sắp đặt và Góc thơ trình diễn.
Góc thơ truyền thống thu hút được đông người nghe, ở nhiều lứa tuổi, khi cùng với các cây bút trẻ, các nhà thơ “có tuổi” như Trần Quang Quý, Bùi Hoàng Tám… cũng tham gia, tạo nên không khí sôi động và sự giao hòa giữa các thế hệ làm thơ. Cùng với các tác giả người dân tộc thiểu số, như Đồng Chuông Tử (Pajai, Bình Thuận), Sonputra (Ninh Thuận), các cây bút Yên Khương, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Anh Vũ, Khúc Hồng Thiện… cũng mang đến sân thơ này cách bộc lộ cảm xúc, ngôn ngữ riêng. Góc thơ sắp đặt chưa nhiều tác phẩm, song có “Tình yêu trên Internet” của Nguyễn Quỳnh Trang gồm hơn 600 chữ cái dán trên một tấm thiếc và “Nhu cầu” của Lê Anh Hoài là chiếc xe máy dựng ngược, đã thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, như năm trước, trình diễn thơ vẫn chưa “tới”, nên không tạo được điểm nhấn cần có.
Theo nhà thơ Trần Quang Quý, Trưởng BTC Sân thơ trẻ, Sân thơ trẻ đã có nhiều hình thức biểu hiện, giúp khán giả có nhiều cơ hội chọn lựa. Tuy các tác giả đã có ý thức để tạo được giọng điệu riêng, thể hiện bản sắc của thế hệ mình, song vẫn cần chờ thời gian thẩm định.
Quầy bán sách giảm giá cho khách thơ |
Với nhà thơ Bùi Hoàng Tám, Sân thơ trẻ là sự độc đáo và đẩy chúng ta đến với một thế giới thơ mới, một không gian mới. Bản chất của nghệ thuật là luôn đòi hỏi cái mới và ở đây, các tác giả trẻ chí ít đã có sự tìm tòi và có được hơi thở mới, mà con đường tìm tòi thì luôn chông gai. Tuy nhiên, BTC vẫn chưa dũng cảm gạt bỏ yếu tố vùng, miền khi lựa chọn thơ để giới thiệu, cũng như chưa dám chọn những bài thật đặc sắc, để người đọc thấy được năm qua, thơ đã đi một bước như thế nào.
Ông Lục Văn Thao, một cựu chiến binh ở 158 Bà Triệu, Hà Nội, lại cho rằng: “Thơ là tiếng nói trái tim, nhưng thơ trẻ hiện nay mang tính chất “tấu”, tính salon nhiều hơn, ít cảm nhận được chất thơ”. Vì thế, ông không thích bước vào Sân thơ trẻ.
Trong các cuộc họp báo về Ngày thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đều cho biết, sẽ “hướng tới sự chuyên nghiệp hơn trước”. Song, thực tế đã không như mong muốn. Đã chẳng có một lễ cầu siêu cho các nhà văn đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến tại chùa Quán Sứ vào trưa 27/2 (tức 14 tháng Giêng) như BTC cho biết, mà chỉ là một lễ dâng hương bình thường, diễn ra trong thời gian rất ngắn. 17h chiều ngày 27/2, lễ khai mạc triển lãm Vườn thơ trăm miền và triển lãm Thơ trên gốm sứ vẫn chưa diễn ra, dù giấy mời ghi là 14h. Không hiểu công tác chuẩn bị của Hội thế nào, khi đã 17h30, vẫn chưa thấy khung cảnh “vườn thơ” ở đâu. Đáng trách là dù sai hẹn, nhưng BTC đã không một lời giải thích, khiến khách mời phải vật vờ chờ đợi suốt cả một buổi chiều nắng, rồi đành lục đục ra về.
Ngày thơ Việt Nam 2010 được coi là ngày hội lớn của thi ca Việt Nam, cũng là sự kiện văn hóa để đón chào Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi, nên Nhà nước đã chi số tiền lớn để tổ chức sự kiện văn hóa cho công chúng tới thưởng thức, cũng như để quảng bá thơ Việt. Thế nhưng, để được vào dự hội thơ này, người dân phải mua vé, là điều bất hợp lý./.