Hiện nay, hàng trăm cơ sở sản xuất, chế tác, kinh doanh đá mỹ nghệ tại thành phố Đà Nẵng trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Cả ngàn người thợ lâu nay gắn bó với nghề truyền thống, đang ăn nên làm ra bỗng lâm cảnh thất nghiệp, công việc bữa có, bữa không. Đó là những gì đang diễn ra tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước, thành phố Đà Nẵng sau khi Bộ VHTT&DL khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không sử dụng các biểu tượng, sản phẩm linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.      

su_tu_da_copy_qfaj.jpgSư tử đá và các linh vật ngoại lai khác trở nên ế ẩm vì không có khách đặt mua

Ông Phan Hiệp, chủ cơ sở điêu khắc Quốc Hiệp, một trong những người gắn bó với làng đá mỹ nghệ Non Nước hơn 20 năm nay cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp ông không chỉ bán trong nước mà mà còn xuất đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, từ khi Bộ VHTT&DL khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật ngoại lai, lượng khách hàng sụt giảm đáng kể, đơn đặt hàng cũng chẳng có. Ông Hiệp trăn trở bởi những sản phẩm được coi là đặc trưng của làng đá mỹ nghệ Non Nước như kỳ lân, sư tử đá, tỳ hưu... giờ đây ế ẩm, chẳng mấy ai mua.

“Mới ra thông báo như vậy, khách hàng cũng không dám mua để đặt ở cơ quan công sở hay chùa chiền. Không tiêu thụ được thì bị ứ đọng thôi, chứ đây là những mặt hàng quen thuộc chúng tôi vẫn hay làm từ trước. Bây giờ, phải chuyển hướng làm cái gì, khai thác những mặt hàng đó như thế nào là quan trọng. Có lẽ cũng phải thay thế, nhưng chúng tôi còn đang nghiên cứu”, ông Phan Hiệp cho biết thêm.

Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, cả ngàn người thợ tại làng đá mỹ nghệ Non Nước, kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề như  ông Nguyễn Văn Sơn bỗng chốc lâm cảnh khó khăn. Ông Sơn cho hay, trước đây người lao động phải làm ngày, làm đêm mới kịp đơn đặt hàng, bây giờ thì hoàn toàn ngược lại: “Làm lân, làm sư tử công phu vì gồm rất nhiều khâu. Trước đó, lân, sư tử được chúng tôi làm nhiều, lần này, nghe nói những mặt hàng đó bị cấm nên cũng chưa thể chuyển qua làm mặt hàng khác”.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 1.700 lao động địa phương. Ông Huỳnh Chín, Trưởng ban quản lý làng đá mỹ nghệ Non Nước, thành phố Đà Nẵng cho biết, giá trị sản phẩm của làng nghề  là 120 tỷ đồng, riêng mặt hàng lân, sư tử chiếm tỷ trọng gần 70%. Khi Bộ VHTT&DL khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam khiến các làng đá mỹ nghệ cũng ảnh hưởng. Cả ngàn người dân nay đứng trước nguy cơ khó khăn.

“Thị trường quyết định đến sản xuất, trước mắt nó ảnh hưởng rất lớn đến làng nghề, chiếm đến 70% giá trị sản xuất của làng nghề. Lao động địa phương là lao động từ nhỏ làm nghề từ bao nhiêu đời nay, bây giờ họ đâu có biết làm việc khác được. 10 người thì cả 10 người phản đối. Việc nghĩ làm cái gì để tiếp tục sống, tiếp tục duy trì nghề, không thể duy ý chí mà ngồi nghĩ ra được”, ông Huỳnh Chín nói.

Trước những khó khăn mới phát sinh tại làng đá mỹ nghệ Non Nước, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động các nghệ nhân, bà con làng nghề từng bước chuyển đổi, tìm sản phẩm phù hợp thay thế cho những mặt hàng trước của làng nghề như lân, tỳ hưu, sư tử đá… Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Vì thế, làm sao giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người thợ làm đá mỹ nghệ là vấn đề mà chính quyền và các ngành chức năng ở thành phố Đà Nẵng cần quan tâm giúp đỡ./.