img_5457_jobv_vthl.jpg tử đá kiểu Trung Quốc không phù hợp bài trí nơi thờ tự, nhất là ở những di tích đã được xếp hạng. Ảnh : Hà Phương

Dư luận và báo chí đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề tràn lan sư tử đá kiểu Trung Quốc, kiểu phương Tây và các hiện vật lạ trong di tích. Tuy nhiên, phải đến khi Bộ VHTT&DL ra công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, tình hình mới có nhiều chuyển biến khả quan.

Đây là một trong những động thái được lòng dân nhất của Bộ VHTT&DL. Ngay khi công văn được ban hành, nhiều chuyên gia văn hoá, người yêu mến di sản cũng như lãnh đạo cơ quan quản lý văn hoá các cấp đã lên tiếng khẳng định sẽ vào cuộc quyết liệt. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định công văn về “hiện vật lạ” sẽ được thực thi bài bản, đồng thuận và quyết liệt. Như đã hứa hẹn, Bộ đã triển khai kế hoạch với các bước đi khá bài bản.

Sau khi lập đoàn thanh tra đột xuất các di tích trên địa bàn Hà Nội ngày 22/8 để kiểm tra thực tế sai phạm và có hướng xử lý hợp tình hợp lý. Ngày 28/8, Bộ đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị có liên quan trong đó có Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ban trị sự Phật giáo, Ban tôn giáo Chính phủ và đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan này trong việc hợp tác hành động và tuyên truyền để nhân dân nhận thức việc không nên đưa những hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hoá Việt Nam.

Đoàn thanh tra Bộ do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn đi kiểm tra di tích trên địa bàn Hà Nội. (ảnh: Trà Xanh)

Kết quả bước đầu của chuỗi hành động trên của Bộ rất khả quan: 10 con sư tử đá kiểu Trung Quốc trong các di tích bị thanh tra đột xuất đã được di dời. Các hiện vật không phù hợp khác trong di tích cũng đã và đang được dọn dẹp trả lại hiện trạng gốc của nơi thờ tự.

Một động thái khiến dư luận hoan nghênh và thêm tin tưởng vào tính khả thi của công văn Bộ đó là sự vào cuộc của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội vừa ban hành công văn yêu cầu các nơi thờ tự, tự viện trong cả nước không bài trí và di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự.

Công văn của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội yêu cầu các nơi thờ tự, tự viện trong cả nước không bài trí và di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự.

Giáo hội Phật giáo cũng yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện từ nay không tiếp nhận công đức tượng sư tử đá, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Nếu cơ sở thờ tự, tự viện nào có nhu cầu bài trí linh vật biểu tượng cần phải liên hệ với Ban Văn hoá Trung Ương GHPGVN để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Trong công văn của mình, Giáo hội Phật giáo VN cũng yêu cầu các cơ sở thờ tự phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý các hiện vật không phù hợp. Di chuyển đi đâu và xử lý thế nào là câu hỏi mà đến hiện tại lãnh đạo Bộ VHTT&DL vẫn chưa có lời giải đáp, nhất là đối với sư tử đá có khối lượng to và nặng. Hiện tại các đình, chùa nơi có sư tử đá thường đem trả lại cho người cung tiến và đến lượt những người này đem trả hoặc tặng lại xưởng chế tác đá. Tuy nhiên việc chuyên chở này khá mất công và không phải ở đâu cũng có điều kiện làm như vậy. Vì vậy, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể các Sở VHTT&DL cả nước về công việc này.

Theo kế hoạch của Bộ, việc di dời các hiện vật không phù hợp trong các di tích sẽ kết thúc trước tết Nguyên Đán. Hi vọng với sự vào cuộc quyết liệt và bài bản cùng sự đồng thuận của nhân dân, công việc này sẽ hoàn tất tốt đẹp. Và để tránh tái diễn sự việc này, Bộ cần có những biện pháp tuyên truyền cũng như cụ thể hóa Luật Di sản đến người dân nói chung và những người làm công việc trông nom trực tiếp các di tích nói riêng./.