Ngày giỗ tổ nghề chạm đá làng Xuân Vũ, xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) vừa diễn ra ngày 6/8 âm lịch (tức ngày 9/9 dương lịch) trong bối cảnh sư tử đá kiểu Trung Quốc, một trong những mặt hàng từng bán chạy nhất nơi đây không còn được ưa chuộng trên thị trường, đặt ra cho làng nghề phải tìm một hướng đi mới. Điều đáng lưu ý là nguyên nhân khiến nhu cầu giảm được người dân biết đến nhờ đọc báo mạng chứ họ chưa được tiếp cận với công văn khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Bộ VHTT&DL, cũng như chưa có sự chỉ đạo trực tiếp nào từ các cơ quan chức năng địa phương.

su_tu1_mvib.jpgDọc hai bên đường đi vào khu sản xuất của xã Ninh Vân, xen lẫn với những đồ thờ, lăng mộ, bình phong... là hàng chục cặp sư tử đá kiểu Tây lẫn kiểu Trung Quốc
Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, mặt hàng này đã không còn được ưa chuộng. Những con sư tử kiểu Trung Quốc đã chế tác xong lâm vào cảnh ế ẩm vì không ai đoái hoài
“Trước đây, sư tử đá Trung Quốc là một trong những mặt hàng bán khá chạy. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu thị trường giảm hẳn. Nhất là khi Bộ khuyến cáo không sử dụng các loại sư tử ngoại lai, chúng tôi đã dừng sản xuất mặt hàng này”, anh Đỗ Đình Thủy, thuộc doanh nghiệp chế tác đá Đỗ Thủy ở Ninh Vân cho biết.
Đồng cảnh ngộ với sư tử đá kiểu Trung Quốc, không khó để bắt gặp cảnh những cặp sư tử đá kiểu Tây lăn lóc ngoài bờ bụi tại làng đá Ninh Vân
Những con sư tử đá đang chế tác dở bị xếp xó
Những người thợ từ lâu đã không còn đụng đến khối sư tử đá kiểu Trung Quốc này
Anh Trương Công Định, chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Định Hương tiếc nuối nhìn hai khối đá lớn đang sắp dần thành hình một đôi sư tử cỡ lớn sẽ có giá đến 45-50 triệu nếu hoàn thiện, nói: “Có khách đặt mua rồi, nhưng không lấy, chúng tôi phải bỏ đấy hoặc tính đến chuyện đẽo thành sản phẩm khác"
Những tưởng việc ngừng sản xuất sư tử đá “ngoại lai” vốn là một trong những mặt hàng bán chạy ở Ninh Vân sẽ khiến các cơ sở mỹ nghệ khốn đốn, nhưng đến giờ làm việc, những người thợ vẫn cặm cụi bên những khối đá, cưa xẻ, đẽo gọt để cho ra những sản phẩm đá mỹ nghệ khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Các cơ sở chế tác vẫn tập trung vào những sản phẩm truyền thống của làng từ xưa đến nay là đồ thờ, lăng mộ, bình phong, cột đá...
Các doanh nghiệp đá ở Ninh Vân cho biết, họ sẵn sàng chuyển đổi sang các mẫu linh vật truyền thống nếu thị trường có nhu cầu. Hình ảnh con nghê Việt Nam dù ít ỏi những đã hiện diện ở làng đá
 Một chú chó đá Việt nhỏ bé, khiêm nhường bên cạnh sư tử đá kiểu Trung Quốc. Chó đá và nghê đá là những con vật gần gũi với tâm linh người Việt. Chó canh cửa là điều hợp với thực tế cuộc sống, cũng là biểu tượng của điềm lành. Người xưa quan niệm chó đến nhà là tốt nên nhiều nơi thờ cúng không chỉ trước đây mà còn ở giai đoạn cận, hiện đại. 
Trưởng Ban quản lý làng đá mỹ nghệ Ninh Vân tự tin nói rằng, với tay nghề của những người thợ ở đây, họ hoàn toàn có thể chế tác được những mẫu linh vật thuần Việt thay cho những con sư tử đá kiểu Tây và Trung Quốc. Còn những người thợ ở đây bày tỏ mong muốn các nhà chức trách phải làm sao để cho người dân thấy được cái hay, cái đẹp của linh vật Việt để yêu trở lại những linh vật Việt Nam./.