Sáng 19/4, tại TPHCM, Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam họp báo công bố hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam” và vở cải lương “Thầy Ba Đợi”. 

Theo đó, vào sáng ngày 28/4 tới, hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” sẽ được tổ chức tại TPHCM. Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ đã nhiều năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu Cải lương.

vov_1_rggu.jpg
Họp báo công bố hội thảo khoa học "Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam" và công diễn vở cải lương "Thầy Ba Đợi".

Tại buổi họp báo, vở cải lương “Thầy Ba Đợi” cũng được công bố lịch công diễn vào tối ngày 28/4 và 1/5 tại Nhà hát Bến Thành - TPHCM, ngày 29/4 tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, tỉnh Long An.

Vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” kể lại một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc thời vua Hàm Nghi. Trong đó, câu chuyện khắc họa rõ nét chân dung của thầy Ba Đợi, tên thường gọi là Nhạc quan- Nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người có công lớn đối với quá trình hình thành và phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương. "Thầy Ba Đợi" đã kết hợp Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế với Hát bội, Đờn ca tài tử để tạo thành nghệ thuật Cải lương lưu truyền đến bây giờ.

Với kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được Soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, vở "Thầy Ba Đợi" hứa hẹn đem đến cho công chúng một cái nhìn vừa toàn  cảnh vừa cụ thể về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của hơn 60 nghệ sĩ tài danh đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn nghệ thuật cải lương Long An. “Thầy Ba Đợi” cũng giúp người xem hiểu rõ hơn về cội nguồn cũng như phô diễn được những vẻ đẹp, những giá trị của nghệ thuật sân khấu Cải lương Việt Nam.

Tại buổi họp báo, NSƯT Triệu Trung Kiên, đạo diễn vở cải lương Thầy Ba Đợi cho biết: “Đây là vở cải lương đầu tiên cùng có sự xuất hiện của các nghệ sĩ sân khấu hai miền Nam Bắc trên sân khấu. Đã rất lâu, chúng ta mới có dịp như vậy, đặc biệt trong một công trình nghệ thuật có ý nghĩa thiêng liêng đối với những người làm nghề, đó là kỷ niệm 100 năm sân khấu Cải lương hình thành và phát triển. Chúng tôi mong muốn sau chương trình này, các nghệ sĩ hai miền Bắc Nam có thể kết hợp, cộng tác với nhau trong nhiều công trình khác nữa” ./.