"Theo lý thuyết cân bằng, khi chúng ta đổ một cốc nước lọc vào một bể nước tự nhiên thì phải mất 200 cốc nước tự nhiên như vậy mới cân bằng lại trạng thái của bể nước đó như cũ. Sau mỗi lượt khách vào thám hiểm hang động Sơn Đoòng thì sau đó chúng ta phải trả lại cho nơi đây một khoảng thời gian để tự cân bằng lại môi trường sinh thái. Còn việc đưa ào ạt “hàng triệu” lượt khách du lịch tới Sơn Đoòng thì điều đương nhiên môi trường và hệ sinh thái sẽ bị xâm phạm." - KTS Lại Thành Tín cho biết.

Một bạn trẻ tên là Dương Vũ Hoàng Anh cũng nêu quan điểm: “Không phải tự nhiên các khu bảo tồn có mức giới hạn số lượng người tham quan hàng năm vì mỗi con người là một tác động ngoại lai vào môi trường được thiên nhiên lưu giữ hàng chục ngàn năm. Sự thay đổi do độ ẩm hay nhiệt độ cơ thể người, do vi khuẩn trong hơi thở hay cơ thể người, dần dần sẽ tác động và thay đổi hệ sinh thái đang còn nguyên sơ. Chỉ riêng lượng ánh đèn flash thôi cũng đủ giết chết những sinh vật dưới lòng đất quen sống với môi trường tối đen như mực và yên lặng như tờ của Sơn Đoòng."

1_0305f_gfvc.jpgÁnh sáng thần kỳ tại hang Sơn Đoòng. (Ảnh: AI)

Với tư cách là một người làm du lịch, ông Hà Văn Siêu-Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo: “Nếu cáp treo chỉ thu được giá trị về vận chuyển trong khu du lịch, trong khi lại không có biện pháp đánh giá tác động môi trường, những chương trình hành động đi kèm thì rất nhanh chóng hủy hoại tài nguyên môi trường”.

Còn chuyên gia địa chất Vũ Lê Phương khẳng định: “Với sự hiện diện của 30 cột trụ, hệ thống buồng cáp chuyên chở 1000 người/giờ mà nói rằng không ảnh hưởng gì tới di sản là không đúng. Chưa kể một dự án hoàn hảo tới đâu cũng chắc chắn sẽ làm thay đổi về mặt cảnh quan, về môi trường của khu vực dễ bị tổn thương như Phong Nha-Kẻ Bàng”.

Du lịch khám phá dần dần đó sẽ là hình thức du lịch mà nhiều người hướng đến. 
Ảnh: National Geographic

Anh Ngô Trí Dũng - một người yêu thích du lịch cho biết: là một người trẻ, lương có thể 5-6 triệu/tháng nhưng nếu bản thân anh muốn khám phá, thám hiểm hang động Sơn Đoòng (với chi phí 60 triệu đồng như hiện tại) thì anh sẽ cố gắng kiếm đủ số tiền và thực hiện ước mơ của mình. Điều đó hoàn toàn khác với việc bỏ ra một số tiền ít và đi cáp treo để đến với Sơn Đoòng một cách quá nhanh, quá dễ dàng với tâm thế “tham sân si”. “Khi sự hưởng thụ của con người ngày càng cao thì người ta sẽ chấp nhận trả giá cho dịch vụ được đảm bảo với số tiền tương đương bỏ ra”- anh Dũng chia sẻ.

KTS Lại Thành Tín cũng cho rằng: một hành trình khám phá, thám hiểm hay một hành trình tâm linh nếu không có sự trải nghiệm mà chỉ ăn sẵn theo tâm lý nhanh, gọn thì không khác gì những điều tinh hoa bị biến thành “đồ ăn nhanh”. Hình ảnh các cụ “mớ ba mớ mảy, cơm nắm nước lọ” đi từ chân núi lên đến nơi thoát tục là hành trình tâm linh khi đến với chùa Hương. “Không thể gọi là đánh đổi hay mặc cả mà đó chính là một giá trị tinh thần”. Điều đó cũng hoàn toàn có ý nghĩa tương tự với những ai mong muốn được thám hiểm hang động Sơn Đoòng./.