Việc UBND tỉnh Quảng Bình công bố khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo đưa du khách tham quan hang Sơn Đoòng thuộc di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phần lớn ý kiến lo ngại rằng việc xây dựng cáp treo sẽ làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và phá vỡ cảnh quan môi trường độc đáo của hang động này.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với GS.TS khoa học Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam xoay quanh vấn đề liệu có cần thiết để xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng.

wp_20141030_003_xhsw.jpgGS.TS khoa học Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam

Không phải cứ cáp treo là thuận tiện

PV: Thưa GS.TS Đặng Huy Huỳnh, theo dự kiến, tuyến cáp treo dài 10,6 km, xuất phát từ trước cửa động Tiên Sơn, có các ga tại động Phong Nha, Thiên Đường, Sơn Đoòng và suối Trạ Ang. Ông đánh giá như thế nào mức độ ảnh hưởng đến cảnh quan và đa dạng sinh học khi thực hiện dự án cáp treo đưa du khách tham quan hang Sơn Đoòng?

GS.TS Đặng Huy Huỳnh: Hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới từng được phát hiện cho tới thời điểm này. Hang là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam tọa lạc gần biên giới với Lào, được hình thành bởi quá trình địa chất từ hàng triệu năm.

Với vẻ đẹp huyền bí, việc du lịch, thám hiểm, khám phá hang Sơn Đoòng luôn hấp dẫn khách du lịch ưa mạo hiểm, các nhà khoa học. Các nhà khoa học địa chất thế giới nhận định Sơn Đoòng là hang động kỳ vĩ nhất hành tinh. Trong hang chứa đựng thảm thực vật tự nhiên vùng hang đá. Hình thành những khu rừng nhiệt đới trong lòng hang. Ngoài ra, còn có nhiều hệ sinh thái đa dạng như hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái đất, hệ sinh thái thảm thực vật… mà những nơi khác không có được. Chính hệ sinh thái đặc trưng tạo nên đa dạng sinh học, tạo nên các cảnh quan bền vững đã thôi thúc con người đến tìm hiểu.

Đây là tài sản vô giá, đóng góp cho du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch tìm hiểu và cả du lịch giáo dục mà đáng ra phải giữ nguyên trạng, nghĩa là không tác động đến nhiều.

Với vẻ đẹp huyền bí, việc du lịch, thám hiểm, khám phá hang Sơn Đoòng luôn hấp dẫn khách du lịch ưa mạo hiểm, các nhà khoa học

Việc tạo điều kiện cho du lịch, tổ chức khám phá một hang động như vậy của Quảng Bình là rất đáng quý. Nhưng phải cân nhắc giữa việc phát triển du lịch đồng thời giữ được các hệ sinh thái liền kề. Bởi làm cáp treo dứt khoát phải xây dựng hệ thống những cột trụ bê tông kéo dài đến hơn 10km. Mỗi cột trụ như vậy hai bên đường sẽ phá một diện tích rừng khá tương đối.

Theo quan điểm về sinh thái học của chúng tôi, xây dựng cáp treo ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, đến hệ sinh thái. Khi phá đi một vùng này, có thể lan tỏa, gây xói mòn các vùng khác, bởi địa hình nơi đây cực kỳ hiểm trở. Trước mắt có thể không thấy được hệ quả mà sau đó mới thấy được.

PV: Vậy theo ông, liệu có cần thiết để xây dựng một hệ thống cáp treo vào hang Sơn Đoòng?

GS.TS Đặng Huy Huỳnh: Hiện nay, ở Việt Nam, hiện tượng làm cáp treo khá phổ biến như ở Bà Nà Hill, Đà Lạt, Yên Tử… Cáp treo là một hình thức giao thông rất thuận tiện đối với một bộ phận khách du lịch, rút ngắn thời gian. Đồng thời ngồi trên cáp treo có thể nhìn thấy rất nhiều quang cảnh. Đó là mặt tích cực của cáp treo.

Chính vì thế, những nhà quản lý nghĩ đơn giản là tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch vào hang, thì cứ làm cáp treo. Nhưng quan điểm của tôi là chưa cần thiết. Tại sao cứ nhất thiết phải làm cáp treo, trong khi nếu đi bằng đường bộ bên dưới, du khách sẽ cảm nhận thấy sự vĩ đại của hang động, rừng núi, chứ đi cáp treo 15 – 20 phút từ điểm A đến điểm B thì làm sao cảm nhận được hết.

Chính hệ sinh thái đặc trưng tạo nên đa dạng sinh học, tạo nên các cảnh quan bền vững đã thôi thúc con người đến tìm hiểu

Đường đi không phải hoàn toàn là trên cao thì mới thuận tiện. Khách du lịch nếu đi vào vùng rừng sẽ muốn đi xuyên qua nó để quan sát cỏ cây, hoa lá, động vật, khám phá những con suối… mà chính những điều đó mới khiến họ thích thú. Du lịch khám phá tức là người ta muốn tìm hiểu để tích lũy vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước như thế nào… Họ bỏ tiền ra để thu lượm kiến thức, chứ không phải để đi thế nào cho tiện. Du lịch khám phá còn là một hình thức rèn luyện sức khỏe, rèn luyện thể lực.

Khách du lịch sẽ đến ít? Không sao!

PV: Nhưng không phải ai cũng có điều kiện, thời gian và sức khỏe để thực hiện một chuyến du lịch trải nghiệm khám phá hang Sơn Đoòng. Trên thực tế, lượng khách được đặt chân tới hang động kỳ vỹ này rất ít, một năm chỉ khoảng vài trăm người. Hơn thế, số lượng người tới Sơn Đoòng chủ yếu lại là du khách nước ngoài. Ông có nghĩ rằng nên làm cáp treo Sơn Đoòng để kích thích người Việt đi khám phá di sản đất nước mình cho tiện?

GS. TS Đặng Huy Huỳnh: Hiện nay, du lịch khám phá đối với người Việt Nam đúng là chưa phổ biến. Nhưng dần dần đó sẽ là hình thức du lịch mà nhiều người hướng đến. Trước đây, đời sống vật chất của người dân còn khó khăn. Nhưng dần dần cuộc sống càng ngày càng được cải thiện. Trong quá trình đó, con người sống hạnh phúc không chỉ có ăn và mặc. Mà chính hạnh phúc ở đời sống văn hóa, xu hướng gần gũi với thiên nhiên, giúp con người sống lành mạnh hơn. Nhất là thời đại chúng ta, từ công nghiệp hóa hiện đại hóa tiến dần đến sự phát triển phồn thịnh, bền vững.

Chính vì thế, suy nghĩ con người luôn thay đổi theo hướng tích cực. Việc Việt Nam ít du lịch khám phá, tôi nghĩ đúng. Thứ nhất do sức khỏe, 2 là do điều kiện vật chất và thứ 3 là do tuyên truyền. Nếu tuyên truyền sâu rộng. Du lịch khám phá của Việt Nam dần dần sẽ phát triển.

Cáp treo thuận lợi, nhưng hạn chế hiểu biết của con người. Ngồi trên đó, tốc độ cáp treo khá nhanh, khó quan sát, khó chụp ảnh. Dĩ nhiên, ở Việt Nam, cáp treo có thể cần thiết. Nhưng không nên chỗ nào cũng cáp treo.

Du lịch khám phá dần dần đó sẽ là hình thức du lịch mà nhiều người hướng đến

PV: Vậy, theo ông, với Sơn Đoòng giải pháp bảo tồn và phát triển nào được xem là phù hợp nhất?

GS.TS Đặng Huy Huỳnh:Tôi không phản đối việc tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch đến khám phá hang Sơn Đoòng. Nhưng đâu nhất thiết cứ phải di chuyển bằng cáp treo. Chúng ta có thể tạo đường đi xuyên rừng, có chỗ nghỉ, nhà tạm, nhà sinh thái. Đó có thể cũng là những nơi thực hiện chiến dịch truyền thông khi dọc đường đi có thuyết minh. Như vậy, thời gian giữ chân khách du lịch sẽ được lâu hơn, lại vừa có lợi cho các dịch vụ của khu du lịch.

Thiết nghĩ, ở Việt Nam, các nhà quản lý nên phân tích kỹ chỗ nào nên làm cáp treo, chỗ nào không. Và nếu làm cáp treo thì tính toán mức độ ảnh hưởng như thế nào. Tôi hoàn toàn không tán thành làm cáp treo theo phong trào, mà phải dưới góc nhìn của môi trường, quy hoạch sử dụng đất, bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch thiên nhiên… bảo đảm tính bền vững.

Nếu nói không có cáp treo, khách du lịch sẽ đến ít? Không sao, trước mắt bảo tồn được hệ sinh thái. Đó là di sản thiên nhiên. Giữ lại di sản thiên nhiên, để thu hút du khách, hãy để nó đi vào dấu ấn, trí nhớ của du khách, từ đó thì chúng ta mới phát triển được

Chúng ta giữ giá trị di sản thiên nhiên cho không chỉ Việt Nam mà đó cũng là tài sản chung của thế giới. Đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu. Phục vụ nhu cầu khám phá của con người nói chung. Không nên vì lợi ích kinh tế trước mắt mà làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, phá hoại hệ sinh thái tự nhiên mà thế giới đã từng ca tụng./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.