Cuối tháng 10 vừa qua, tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, tỉnh Hòa Bình, ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường - nhà sàn của vị quan Lang duy nhất còn sót lại và đang được bảo tồn đã bị thiêu cháy. Đây là công trình kiến trúc nguyên bản hơn 100 năm, với gần 200 hiện vật được trưng bày tại đây cũng bị thiêu rụi.
nhalang1.jpg
Ngôi nhà Lang cuối cùng của người Mường bị thiêu rụi (Ảnh do Bảo tàng không gian văn hóa Mường cung cấp)

Đến đầu tháng 12 vừa qua, một ngọn lửa đã phá hủy toàn bộ kết cấu cột, kèo bằng gỗ, đồ thờ cúng, các bộ sắc phong…ở di tích đền Lê Lai, Thanh Hóa.

Không chỉ các di tích nhỏ lẻ chưa được công nhận phải đối mặt với những rủi ro nảy sinh từ thiên tai, hỏa hoạn và con người, ngay tại các di tích được công nhận là di sản thế giới như: phố cổ Hội An, cố đô Huế cũng thường xuyên gặp phải những rủi ro này.

Điển hình như việc phố cổ Hội An bất ngờ bị ngập trong nước xả lũ từ hồ thủy điện, vụ cháy năm 2012 tại Lăng Khải Định, cố đô Huế…Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đây là tổn thất nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần cho di sản nói riêng và cả nền văn hóa Việt nói chung.

“Đặc trưng của kiến trúc truyền thống là xây dựng bằng gỗ, do đó vấn đề hỏa hoạn là nguy cơ rất lớn. Ông bà ta có câu “Thủy, hỏa, đạo tặc”. Trong đó lũ lụt là vấn đề hàng đầu sau đó là hỏa hoạn. Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến khả năng xóa sổ di tích. Do đó, một trong những điều kiện bắt buộc tại di tích là khâu phòng chống hỏa hoạn, rủi ro.” – ông Phan Thanh Hải cho biết.

Công tác phòng chống rủi ro tại các di tích quan trọng là vậy nhưng ngoại trừ Luật Di sản, các văn bản hướng dẫn khác cũng chưa thực sự cụ thể và đề cao cho mục tiêu quản lý rủi ro. Dự thảo công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành mới đây lại không hề nhắc đến vấn đề này. Và tất nhiên, không phải nơi nào cũng chủ động biện pháp phòng tránh thảm họa.

Phố cổ Hội An ngập sâu trong nước lũ (Ảnh: Hải Sơn)

Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang chỉ ra hai khó khăn của Ban quản lý di tích tại địa phương. Thứ nhất là không có phương tiện phòng cháy chữa cháy; thứ 2 là các di tích hiện nay chủ yếu làm bằng gỗ và khi xây dựng (cách đây hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm) không tính đến hệ thống thắp sáng, chỉ sử dụng đèn dầu. Để phục vụ nhu cầu du khách, các khu di tich đều phải lắp thêm hệ thống điện. Tuy nhiên, hệ thống này không được làm một cách bài bản ngay từ đầu và làm theo kiểu chắp vá nếu không quản lý chặt chẽ, rất dễ xảy ra nguy cơ cháy, nổ.

“Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đưa công tác phòng cháy, chữa cháy vào nội dung dự thảo sẽ tốt hơn. Giữa Bộ Văn hóa và Bộ Công an cần ban hành thông tư hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy mới hiệu quả. Hầu hết các ban quản lý di tích chủ yếu kiêm nhiệm, không có kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Khi có cháy chủ yếu huy động sức dân chứ không có lực lượng chính quy làm nhiệm vụ này.” - ông Nguyễn Thế Chính khẳng định.

Theo Tiến sĩ Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đối với rủi ro có thể xảy ra tại khu di tích thì việc lập kế hoạch phòng chống phải được ưu tiên hàng đầu. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc lập kế hoạch quản lý rủi ro sẽ góp phần ngăn chặn những tai biến có nguy cơ sẽ xảy ra với di tích, cụm di tích, có thể là: lửa, thiên tai, bão, lũ, ô nhiễm môi trường…

Để hỗ trợ cho công việc này, văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã bước đầu phổ biến bộ công cụ hướng dẫn lập kế hoạch quản lý rủi ro cho các khu di sản văn hóa và di sản thiên nhiên tại Việt Nam. Việc lập kế hoạch nhằm đưa gia những đánh giá về đặc tính quan trọng của khu di sản và những rủi ro có thể xảy đến, sau đó đưa ra phương pháp giải quyết

Nếu chỉ đứng yên để nhìn di tích biến mất hay bị thay đổi bởi bàn tay con người và sự vô tình của thiên tai, hỏa hoạn thì dần dần chúng ta sẽ không còn giữ được những gì thuộc về quá khứ, giá trị văn hóa của cha ông từng dày công vun đắp. Do vậy, để phòng tránh những rủi ro tại các di tích ngoài việc nâng cao ý thức của mỗi người dân, thì việc lập kế hoạch, kiểm kê các giá trị di tích để có phương án bảo vệ là việc làm cấp bách lúc này./.