“Đối với các công trình di tích, đa số chúng ta chỉ mới chỉ quan tâm đến giá trị tín ngưỡng, tôn giáo mà ít quan tâm đến giá trị văn hóa”. Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo “Kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích” diễn ra sáng 6/12 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập, ảnh hưởng đến việc quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại khu di tích. Ngay tại di tích đền Trần - Nam Định được xếp hạng quốc gia, tình trạng cung tiến, đưa thêm hiện vật không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra nhưng Sở văn hóa địa phương không thông báo hay nhắc nhở. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do sự yếu kém trong công tác quản lý.

hoithao1.jpg
Hội thảo “Kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích”

Bà Lê Thoa, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Đưa thêm hoặc di dời các đồ thờ tự trong di tích là một thực tế có nhiều bất cập. Nếu như các di tích được xếp hạng được ngành văn hóa quản lý rất chặt, muốn tu bổ hay sửa chữa hiện vật bị hư hỏng phải xin ý kiến các cơ quan quản lý văn hóa. Với các di tích chưa xếp hạng thì việc xin phép để đưa một pho tượng mới vào tương đối dễ dàng. Người dân nhiều khi không phân biệt được di tích đã xếp hạng hay chưa”.

Những tồn tại này đã được Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ ra trong Dự thảo hướng dẫn kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích với 9 bất cập. Trong đó, nổi bật là: sự chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ giữa phòng quản lý di sản và ban quản lý di tích trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; có ban quản lý di tích trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, được giao quản lý 3 đến 4 di tích, nhưng trên thực tế các di tích này dã được chính quyền cấp huyện quản lý nên vai trò của Ban quản lý di tích mờ nhạt.

Ngoài ra, một số trung tâm quản lý di tích trực thuộc cấp huyện đang làm nhiệm vụ quản lý di sản thế giới; hiện tượng tranh chấp nguồn thu giữa Ban quản lý di tích với chính quyền địa phương và người trực tiếp trông nom di tích, nảy sinh nhiều phức tạp trong công tác quản lý. Tại một số nơi không có hoặc có quá ít nguồn thu nên ít được quan tâm, đầu tư, bảo vệ…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa đề cập đến công tác phòng chống rủi ro tại di tích. Đây là nguy cơ dẫn đến việc xóa sổ di tích xảy ra trong thời gian gần đây như: nhà Lang (bảo tàng không gian văn hóa Mường, Hòa Bình), đền thờ Lê Lai (Thanh Hóa)…

Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: “Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta đưa công tác phòng cháy, chữa cháy vào nội dung dự thảo sẽ tốt hơn. Giữa Bộ VHTT&DL và Bộ Công an cần ban hành thông tư hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy mới có hiệu quả. Hầu hết các ban quản lý di tích chủ yếu kiêm nhiệm, không có kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Khi có cháy chủ yếu huy động sức dân chứ không có lực lượng chính quy làm nhiệm vụ”.

Các đại biểu cũng chỉ rõ nguyên nhân nảy sinh nhiều vụ việc liên quan đến quản lý văn hóa trong thời gian gần đây là do chưa chỉ rõ cá nhân, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm. Khi chỉ rõ ai là người quản lý trực tiếp thì phải nâng cao trách nhiệm và quyền hạn cho họ, nếu không có quyền thì ban bệ đặt ra chỉ mang tính chất hình thức nhiều hơn là nội dung./.