Mấy ngày qua, dư luận và người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội không nguôi bức xúc về việc sư trụ trì chùa Chân Long liên tiếp có những hành vi sai trái với những qui định của nhà nước về di tích. Nhà sư đã tự ý xây dựng nhà vệ sinh trong khuôn viên chùa, xây gara để ôtô trước cổng ngôi chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia mà không thông qua ý kiến người dân cũng như chính quyền sở tại. Đỉnh điểm là việc nhà sư cho biết đã tự ý thả trôi sông bức tượng phật cổ của chùa rồi thay thế bằng một bức tượng mới làm bằng đồng, có bề ngoài rất giống mình, khiến người dân phẫn nộ.

chan%20long%201.jpeg
Người dân bức xúc trước bức tượng mới có bề ngoài giống sư trụ trì tại chùa Chân Long (ảnh: Tri Thức)

Ông cha ta có câu “đất vua, chùa làng”, không chỉ nói về sự sở hữu mà còn là tầm quan trọng của ngôi chùa trong đời sống dân làng. Nhưng kể từ khi được bổ nhiệm làm trụ trì vào năm 2011, nhà sư này đã phạm vào một điều cấm kị trong giáo lý nhà Phật đối với vai trò của trụ trì là “biến chùa thành nhà của mình”. Từ đó vị trụ trì này không chỉ liên tiếp có những vi phạm khá nghiêm trọng vào Luật di sản mà còn có nhiều hành động làm mất lòng và mất đoàn kết người dân địa phương.
Sự việc xảy ra ở xã Chàng Sơn chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy hiện trạng của di sản văn hoá vật thể tại các đền chùa chưa bao giờ mong manh đến thế dù rằng chúng ta đã có hành lang pháp lý bảo vệ di sản, nhưng trên thực tế thì lại chưa được tôn trọng xứng đáng.
Vi phạm của sư trụ trì diễn ra trong một thời gian dài mà phải để đến khi sự việc đi quá xa, di tích thì đã thất thoát và biến dạng thì mới giải quyết hậu quả. Những bức tượng cổ, những vật dụng thờ tự cổ được nhân dân lưu giữ hàng trăm năm có thể dễ dàng được chính tay người trụ trì thay thế bằng những đồ mới không xuất xứ…

Trong lịch sử dân tộc, văn hoá làng là nền tảng vững chắc trong việc duy trì hồn cốt văn hoá dân tộc mà ở đó đình, chùa chiếm một vị trí quan trọng. Đó là nơi thờ tự tổ tiên, là “bảo tàng văn hoá dân tộc” với sự liên hệ mật thiết giữa các giá trị văn hoá vật thể như kiến trúc, điêu khắc… với các giá trị văn hoá phi vật thể và tâm linh con người. Quan trọng là vậy mà một số người được giao nhiệm vụ trông coi di tích lại không có đầy đủ hiểu biết về báu vật mình đang giữ gìn là một điều thật đáng tiếc.

Với một di tích đã được xếp hạng thì không được phép thêm bớt bất cứ một tài sản nào vì đã được các cơ quan chức năng kiểm kê. Nhưng điều này trên thực tế lại hoàn toàn khác. Bên cạnh nạn mất trộm cổ vật đang ở mức báo động tại các đình chùa thì việc thiếu hiểu biết của những người trông coi di sản, của người dân và sự lơ là của các cơ quan quản lý đã khiến tình trạng của thất thoát của di tích ngày càng trở nên tồi tệ.

Cách đây 2 tháng, chúng tôi đã từng đề cập đến vấn nạn sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc án ngữ tại lối vào của nhiều nơi thờ tự tổ tiên. Những con sư tử đá này do thí chủ phát tâm công đức và nghiễm nhiên được chấp nhận để tại chùa.

Sư tử đá trước chùa Trung Kính Thượng, Hà Nội (ảnh: Mỹ Trà)

Chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia về văn hoá, lịch sử xung quanh câu chuyện về những con sư tử đá. Nhiều ý kiến khá gay gắt, nặng nề cho rằng đây là lối khoe mẽ vô văn hoá, thậm chí đây là “bệnh sư tử”, là “hoạ sư tử” - một cái họa về văn hóa. Bởi ngay cả khi bị áp đặt hay chủ động giao lưu - tương tác văn hoá, người Việt luôn biết tiếp thu một cách chọn lọc tinh hoa văn hoá ngoại lai rồi Việt hoá nó, “thuần phục” nó theo cách riêng của mình. Chưa bao giờ tổ tiên chúng ta chấp nhận sự sao chép dập khuôn vô thức.

Câu chuyện về “căn bệnh” thiếu hiểu biết văn hoá và sự cẩu thả trong ứng xử với di tích văn hoá vẫn còn có thể nói nhiều và chưa dễ kết thúc ngay trong tương lai gần.

Đã đến lúc phải gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về công tác bảo tồn đình chùa ở Việt Nam-nơi thờ tự tổ tiên, lưu giữ hồn cốt dân tộc./.